Tăng cường tập hợp lực lượng trí thức về khoa học và công nghệ thực phẩm

NDO - Ngày 4/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2023-2028), nhằm tổng kết công tác nhiệm kỳ 2018-2023 và đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2023-2028.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Đại hội.
Toàn cảnh Đại hội.

Thành lập năm 2002, Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam (VAFoST) là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thành viên chính thức của Liên đoàn các Cơ quan Khoa học và Công nghệ thực phẩm của ASEAN (FIFSTA), Liên đoàn Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Quốc tế (IUFoST).

Đến nay, Hội có hơn 350 hội viên thuộc 7 chi hội, hoạt động trên khắp cả nước. Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2018-2023 có 55 ủy viên; Ban Thường vụ có 19 ủy viên, trong đó có 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội.

Nhiệm kỳ qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của hội. Nhiều sự kiện cấp toàn quốc cũng như quốc tế buộc phải hoãn hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thông qua sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội đã đạt nhiều kết quả đáng mừng.

Về công tác tập hợp trí thức, hội đã thành lập thêm 4 chi hội tại các địa bàn trọng điểm như Thủ đô Hà Nội, các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, hoạt động theo hình thức đa dạng, hiệu quả, tạo được uy tín trong xã hội.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo, hội và các chi hội cơ sở đã tổ chức hàng loạt hội nghị khoa học chuyên môn, triển lãm sản phẩm, công nghệ ở quy mô quốc tế cũng như trong nước, tiêu biểu là hội nghị "Chất lượng và an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng", với sự tham gia của gần 200 nhà khoa học, doanh nghiệp cùng 90 bài báo khoa học chất lượng.

Đáng chú ý, nhiệm kỳ qua, hội đã tiếp tục phối hợp Chi hội thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình "Giáo sư tình nguyện"; triển khai nhiều lớp tập huấn về công nghệ chế biến thực phẩm an toàn, thân thiện môi trường, bền vững...

Trong số các hoạt động hợp tác quốc tế của Hội, nổi bật có việc tổ chức biên soạn 1 chương trong cuốn sách "Thực phẩm Bản địa ASEAN", do FIFSTA xuất bản năm 2020. Chương sách giới thiệu 5 thực phẩm bản địa đặc sắc của Việt Nam: bánh chưng, nước mắm, tôm chua Huế, yến sào, tinh bột và miến dong riềng.

Tăng cường tập hợp lực lượng trí thức về khoa học và công nghệ thực phẩm ảnh 2

Ban Chấp hành Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028.

Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Hội khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 45 ủy viên; bầu Ban Kiểm tra Hội khóa V gồm 5 ủy viên. Phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội khóa V đã họp ngay sau đó, bầu Ban Thường vụ và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2023-2028.