Các đồng chí: Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Nội vụ và Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban Đảng, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 400 hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động trên phạm vi cả nước; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, thời gian qua, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các hội, quỹ đã liên tục phát triển đa dạng về quy mô và hình thức.
Nhìn chung, các hội, quỹ hoạt động cơ bản đều tuân thủ pháp luật và điều lệ, phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các hội, quỹ đã thực hiện hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.
Tuy nhiên, các hội, quỹ còn chưa chú trọng nhiều đến việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, cá biệt còn có một số hội, quỹ mất đoàn kết trong nội bộ.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hội quần chúng, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước, quản lý tài chính và tạo điều kiện cho các hội, quỹ hoạt động từng bước được đổi mới, tăng cường nhằm bảo đảm các hội, quỹ được thành lập và hoạt động đúng quy định của pháp luật và điều lệ hội.
Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp đã đổi mới trong công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của các hội, quỹ; đồng thời đã thực hiện phân công, phân cấp, giúp đỡ, phối hợp và hướng dẫn các hội, quỹ hoạt động đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ được phê duyệt.
Báo cáo về công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Thang Thị Hạnh cho biết: Tính đến tháng 12/2021 cả nước có 93.425 hội, gồm 571 hội (trong đó có 28 hội có tính chất đặc thù) hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương (trong đó có 28.940 hội có tính chất đặc thù).
Về quỹ, cả nước có 2.950 quỹ gồm 85 quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh và 2.865 quỹ hoạt động trong phạm vi địa phương.
Về công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, đồng chí Thang Thị Hạnh nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đề ra các chủ trương và ban hành các văn bản nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ, tạo điều kiện cho các hội, quỹ hoạt động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, pháp luật cho hội, quỹ và tầng lớp nhân dân, hội viên, quần chúng biết và thực hiện.
Đồng thời, các đơn vị cũng quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, tài chính cho các hội tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các hội, quỹ phát huy tinh thần chủ động, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân.
Công tác quản lý nhà nước đối với hội, quỹ được tăng cường nhằm bảo đảm các hội, quỹ thành lập đúng quy định, hoạt động theo điều lệ được phê duyệt, chủ động hướng dẫn hội, quỹ hoạt động đi vào nề nếp, đúng hướng, đúng pháp luật và điều lệ.
Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh đã tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ.
Công tác thanh tra, kiểm tra đã tăng cường và có tác dụng nhắc nhở hội, quỹ hoạt động đúng Điều lệ, đúng hướng và theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng: Thời gian qua, có hội, quỹ hoạt động hình thức; chưa phát huy tính tự chủ, hiệu quả chưa cao, chưa quản lý tốt các pháp nhân trực thuộc; có xu hướng hành chính hóa hoạt động hội, quỹ; cá biệt còn có một số hội, quỹ mất đoàn kết trong nội bộ.
Còn thiếu các chế tài xử lý khi các hội vi phạm pháp luật và điều lệ trong quá trình hoạt động; chưa có quy định đình chỉ hoạt động của hội khi hội có mâu thuẫn nội bộ và vi phạm pháp luật...
Quy định về hoạt động quỹ xã hội, quỹ từ thiện chưa đồng bộ, chưa có quy định cụ thể việc thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, tài sản của quỹ...
Sau hơn 12 năm thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội đến nay đã phát sinh bất cập về cơ chế, chính sách đối với các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; còn thiếu các chế tài xử lý khi các hội vi phạm pháp luật và điều lệ trong quá trình hoạt động; chưa có quy định đình chỉ hoạt động của hội khi hội có mâu thuẫn nội bộ và vi phạm pháp luật;
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã thấy một số quy định còn chưa đồng bộ.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể việc quỹ thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, tài sản của quỹ khi hội đồng quản lý quỹ hết nhiệm kỳ để bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch.
Hội nghị thống nhất đề nghị: Thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Nghiêm túc quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng về hội, quỹ ngăn ngừa dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong tổ chức, hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; thể chế hóa chủ trương về hội quần chúng, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hội giải quyết các vướng mắc và bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện: khẩn trương tham mưu ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; rà soát việc thực hiện Nghị định số 93/2019/NĐ-CP tham mưu sửa đổi một số quy định pháp luật đã phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Thường xuyên, định kỳ tổng kết công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, để có giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức, hoạt động của các hội, quỹ.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước, giám sát về tài chính hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền, trốn thuế, ngăn chặn sự lợi dụng, can thiệp, chi phối của các thế lực thù địch, khủng bố.
Quản lý việc tiếp nhận viện trợ nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng tài trợ để tác động, nhằm mục đích xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn của xã hội. Quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế, việc liên kết, tham gia thành viên các tổ chức quốc tế.
Cần tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện; xử lý vi phạm (nếu có) và đề xuất, kiến nghị giải thể đối với hội, thu hồi giấy phép hoạt động đối với quỹ.
Xem xét khen thưởng các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện có những đóng góp tích cực góp phần phát triển kinh tế-xã hội, qua đó nhằm động viên, khích lệ, biểu dương những hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động hiệu quả, tiêu biểu
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện.