Công khai, minh bạch quản lý quỹ bảo hiểm y tế

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến kết luận về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Theo đó, giao Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, sửa đổi các chính sách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật, nghiên cứu, sửa đổi bảo đảm một số yêu cầu.

Quyền lợi của người có bảo hiểm được bảo đảm tại các cơ sở y tế. Ảnh: HẢi ANH
Quyền lợi của người có bảo hiểm được bảo đảm tại các cơ sở y tế. Ảnh: HẢi ANH

Bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về: Đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) với sự tham dự của các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sau khi nghe báo cáo của các cơ quan chủ trì soạn thảo, ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp và ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: Về Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, cần sửa đổi các chính sách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật, nghiên cứu, sửa đổi bảo đảm các yêu cầu sau:

Chính sách bảo hiểm y tế cần bảo đảm phương thức đóng - hưởng và nguyên tắc sự chia sẻ rủi ro để bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội. Việc quy định nâng mức trần đóng bảo hiểm y tế cần bảo đảm tính khoa học, khả thi và có lộ trình phù hợp.

Quy định về thu chi, sử dụng, quản lý quỹ bảo hiểm y tế cần bảo đảm sự công khai, minh bạch, đặc biệt là việc mua sắm thuốc, vật tư y tế… phải theo nguyên tắc kinh tế thị trường lành mạnh, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, cần rà soát, nghiên cứu để xử lý triệt để những trường hợp còn vướng mắc về điều kiện, giấy tờ nhân thân… bảo đảm đầy đủ quyền lợi của các đối tượng yếu thế, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong chính sách bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cho hệ thống y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, y tế tư nhân… tham gia thực hiện chính sách bảo hiểm y tế để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tải các bệnh viện tuyến trên.

Nghiên cứu đẩy mạnh hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm y tế, thống nhất sử dụng nền tảng công nghệ trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Đồng thời, quy định về công tác thanh tra, kiểm tra cần phù hợp, minh bạch, hiệu quả.

Cần cân nhắc việc quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong Luật Bảo hiểm y tế, nhưng vẫn bảo đảm linh hoạt điều hành của Chính phủ, trong trường hợp cần thiết có thể kịp thời báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích

Trước đó, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 1998, Quỹ BHXH kết dư 7.500 tỷ đồng, đến hết năm 2020, quy mô đầu tư quỹ đã tăng gấp 120 lần, kết dư gần một triệu tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng bình quân là 20%.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan sẽ tập trung, khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm. “Tới đây sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như đại biểu Quốc hội vừa nêu, như phát triển hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi thời gian giảm đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể còn 10 năm”, ông Dung cho biết. 

Ông cũng nhấn mạnh, phải bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng; điều chỉnh chính sách hưởng BHXH một lần; phát triển tham gia BHXH của lực lượng lao động phi chính thức; xây dựng chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH… Song song đó, đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Để làm được những điều đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, trước mắt tập trung chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền để khi bước vào thị trường mới, người lao động hiểu và đồng tình, chủ động tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động.

Thứ hai, sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động, nghiên cứu điều chỉnh , phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động, xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH. Và cuối cùng là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo.

Đổi mới khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng đề xuất Quốc hội ba vấn đề: Thứ nhất, tăng cường công tác giám sát kiểm tra việc triển khai chính sách; thứ hai, giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và các rủi ro…; thứ ba, đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung vào trong kết luận phiên họp, Nghị quyết phiên họp một số nội dung kết luận  làm căn cứ để Chính phủ triển khai.