Cảnh báo đầu nậu “thổi giá” sầu riêng

Các doanh nghiệp thu mua nông sản tại Đắk Lắk đang cảnh báo, giá bán sầu riêng ở các vườn năm nay cao hơn nhiều so mọi năm. Một số “đầu nậu” đến các vườn trồng, đưa giá mua cao khiến nông dân hoang mang. Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài tuần nữa, sầu riêng chín rộ, “đầu nậu” quay lại ép giá, nông dân sẽ tổn thất nặng nề.
Nhiều “đầu nậu” vào thu mua chốt giá 90 nghìn đồng/kg sầu riêng Dona loại A tại vườn, nhưng ông Trần Văn Sơn chỉ bán cho các doanh nghiệp đã liên kết.
Nhiều “đầu nậu” vào thu mua chốt giá 90 nghìn đồng/kg sầu riêng Dona loại A tại vườn, nhưng ông Trần Văn Sơn chỉ bán cho các doanh nghiệp đã liên kết.

Hiện nay, giá rao mua sầu riêng ở một số đội nhóm “đầu nậu” tại Đắk Lắk giữ mức từ 90 nghìn đến 115 nghìn đồng/kg giống Dona loại A. Điều này làm nhiều hộ trồng sầu riêng khấp khởi, bởi diễn biến tăng giá mua không ngừng trên địa bàn suốt nhiều tuần qua. Các doanh nghiệp thu mua cảnh báo, cần cảnh tỉnh gấp người nông dân về những mặt trái thị trường.

Giá vườn cao hơn giá xuất khẩu?

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk thông tin, giá bán sầu riêng tại các vườn hiện nay vượt xa mọi năm. Đây được coi là tin tốt lành cho người canh tác, dựa vào hai yếu tố: sầu riêng đã được cấp hạn ngạch xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, một cơ hội tốt cho nông sản Tây Nguyên; vụ mùa năm nay có dấu hiệu kém về sản lượng, nhưng chất lượng sầu riêng tại địa bàn Đắk Lắk cơ bản tăng nhờ được chăm sóc tốt hơn. Giá sầu riêng cao, người nông dân phấn khởi. Những thông tin lan truyền sầu riêng các khu vực cạnh tranh bị giảm năng suất, trong khi thương lái đã sẵn sàng mua sầu riêng Đắk Lắk giá cao, đang càng củng cố niềm tin của người nông dân về một vụ mùa “bội thu”.

Song đây chỉ mới là thông tin một chiều từ các vườn trồng và dư luận xã hội. Thực tế theo phản ánh của các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, mức giá mua thương lượng ở các đơn hàng xuất khẩu ra ngoài, đặc biệt nhóm chính ngạch cho thấy, thương lái Trung Quốc chỉ chịu mua với giá thấp hơn rất nhiều. Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã điều đình giá bình quân 100 nghìn đến 105 nghìn đồng/kg sầu riêng Dona loại A, mà đối tác còn lưỡng lự. Để có giá này, doanh nghiệp phải bỏ chi phí sản xuất làm hàng trung bình 25 nghìn đồng/kg, nên chỉ có thể mua tại vườn với giá tầm 60 nghìn đồng/kg. “Nếu các vườn chỉ đòi chốt giá đến 115 nghìn đồng/kg, doanh nghiệp không thể mua được”. Một giám đốc doanh nghiệp chế biến sầu riêng tại Cụm công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột nhấn mạnh. Theo ông này, doanh nghiệp có cố gắng dàn xếp giá mua được đến 80 nghìn đồng/kg, cũng coi như chỉ đủ chi phí sản xuất, không còn lợi nhuận, thì làm sao tự tin thực hiện nhiều hợp đồng thu mua với nông dân.

Vậy mà, giá mua 80 nghìn đồng/kg vẫn bị xem là quá thấp, thì theo ông Vũ Đức Côn, vấn đề thị trường sầu riêng năm nay có dấu hiệu bất ổn, cần có những nhìn nhận thỏa đáng để cảnh báo nông dân.

Cảnh báo đầu nậu “thổi giá” sầu riêng ảnh 1

Sầu riêng, loại cây trồng mang lại thu nhập cao nhất hiện nay ở Đắk Lắk.

“Đầu nậu” thổi giá, bảo kê ép hàng?

Huyện Krông Pắc và Cư M’gar đang được xem là hai điểm nóng thu mua sầu riêng, bởi sản lượng và vùng trồng lớn. Trong mấy tuần qua, các đầu nậu thu mua xuất hiện nhiều ở các vườn, đưa giá mua cao, sẵn sàng “chốt vườn” và đặt cọc bao tiêu. Giá sầu riêng nhích lên từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng đã hình thành trong nhiều ngày qua. Càng dần về cuối vụ, chỉ số giá này càng tăng.

Theo ông Vũ Đức Côn, những biểu hiện giá này là có vấn đề. Bởi so lợi nhuận, mỗi kg sầu riêng có chi phí canh tác dưới 20 nghìn đồng, so giá đơn hàng xuất khẩu đã rất tốt cho nông dân. Những vụ sầu riêng trước, cao điểm là năm 2021, giá sầu riêng được bán bình quân 40 nghìn đồng/kg, người dân đã có lãi. Năm nay, đánh vào tâm lý lợi nhuận, các “đầu nậu” đang thao túng thị trường với những đơn giá mua cao.

Đa số hộ nông dân lạc quan với thông tin giá, không hợp tác với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Họ biết rõ, sầu riêng vào vụ không kịp thu hoạch, phải bán đổ bán tháo, thua lỗ sẽ rất lớn. Song tin vào xu hướng và thông tin thị trường, người nông dân vẫn mong bán cho “đầu nậu” thu gom với giá cao hơn để hưởng lợi nhiều hơn. Ông Côn phân tích, các “đầu nậu” chỉ “thổi giá” chứ không thực thu gom sản xuất. Tình trạng này năm nào cũng diễn ra, đợi khi sầu riêng chín rộ, các “đầu nậu” sẽ ép giá nông dân đến cùng kiệt. Không ít hộ nông dân ở huyện Cư M’gar cho biết, mùa sầu riêng năm 2021, nhiều “đầu nậu” mua sầu riêng chín rộ chỉ với giá vài nghìn đồng/kg. Liệu năm nay có lặp lại kịch bản này không?

Một số doanh nghiệp chế biến sầu riêng khẳng định: Nếu người nông dân không chịu bán sớm, việc thu hoạch sầu riêng ở các vườn sẽ trở nên quá tải trong thời gian tới khi vào chính vụ. Do đó, hiện tại các doanh nghiệp chỉ hợp đồng với khách mua vào thời điểm giao hàng, không dám chốt sản lượng cũng như mức giá. Trong những ngày tới, thị trường giảm giá, doanh nghiệp tính làm được bao nhiêu hàng thì tổ chức thu mua bấy nhiêu. Đây chính là lỗ hổng quan trọng để các “đầu nậu” hiện tại ra sức thổi giá. Người nông dân ham giá cao giữ vườn, càng dễ bị ép giá cuối vụ. Các “đầu nậu” chỉ việc báo lại doanh nghiệp để hưởng chênh lệch, có thể từ 50 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg.

Trên địa bàn Đắk Lắk cũng xuất hiện nạn “bảo kê” vườn. Khi “đầu nậu” đã đặt cọc cho hộ nông dân, sẽ có một số đối tượng xuất hiện, “phong tỏa” địa bàn đó, không cho người mua khác tiếp cận, tạo điều kiện cho việc ép giá bán của hộ nông dân về sau (!?).

Cần phát huy chuỗi liên kết!

Cảnh báo trước tình trạng thị trường bị lũng đoạn thao túng, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đã liên tục thông tin cho các hộ nông dân, các tổ chức doanh nghiệp thu mua chế biến sầu riêng trong thời gian qua. Hiệp hội cũng liên hệ các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật để có sự can thiệp điều tra cần thiết hiện tượng “bảo kê” ép giá tại các vườn. “Chúng tôi vận động người nông dân hãy nhanh chóng thông tin đến các cơ quan chức năng khi có dấu hiệu bị “đầu nậu”, cò mồi đe dọa khống chế, để kịp nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Quan trọng hơn, bà con nên tỉnh táo trước giá nổi của thị trường. Nên tham gia xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chân chính”, ông Côn bày tỏ.

Thực tế, vấn đề liên kết xây dựng các vùng trồng đã được đề ra từ lâu và nhiều hộ nông dân đã ủng hộ phương án này. Đến nay, các địa bàn trồng sầu riêng tại thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Pắc, thành phố Buôn Ma Thuột được đánh giá là ổn định nhất, đều nhờ quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp và hộ nông dân. Thỏa thuận cơ bản của các bên là người nông dân cần ưu tiên cho doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản và doanh nghiệp cần hỗ trợ mua nông sản khi người nông dân quá vụ hoặc bị “bom vườn”. Những thỏa thuận này giúp các hộ ổn định về mặt canh tác chăm trồng, bảo đảm đầu ra nông sản ổn định và các doanh nghiệp cũng có được kế hoạch sản xuất bền vững.

Theo ghi nhận, một số hộ trồng sầu riêng tại huyện Krông Búk và thị xã Buôn Hồ đã mạnh dạn từ chối các “đầu nậu” rao giá mua cao tại vườn của họ. Ông Trần Văn Sơn ở buôn Ea Ring, xã Ea Sin, huyện Krông Búk trồng 12 ha sầu riêng, dự kiến năm nay thu được 140 tấn. Ông cho biết: “Những ngày qua, nhiều “đầu nậu”, thương lái vào mua chốt giá tại vườn 90 nghìn đồng/kg Dona loại A, nhưng tôi không bán, mà để bán cho các doanh nghiệp đã liên kết trước đó. Hơn nữa, việc chốt giá tại vườn rất nguy hiểm, vì sau khi chốt giá, “đầu nậu” chỉ cho mình ứng trước 30% tổng sản lượng, đến khi sầu riêng chín đồng loạt, họ không thu hái để giá xuống thấp lại quay sang ép mình, nếu mình không chịu thì họ sẵn sàng bỏ cọc khiến mình bị lỗ nặng. Vì vậy, tới thời điểm thu hoạch, giá chừng nào bán chừng đó và bán trực tiếp cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu để bảo đảm an toàn, tạo niềm tin thị trường cho các đối tác về sau”.