Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong công việc

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU của Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố khóa 17, trong đó thông qua dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Ðây là cơ sở quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phục vụ nhân dân tốt hơn, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh rà soát bản đồ dự án xây dựng hạ tầng khu vực tái định cư đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Ảnh MINH HÀ)
Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh rà soát bản đồ dự án xây dựng hạ tầng khu vực tái định cư đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Ảnh MINH HÀ)

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo, xác định kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm là hàng đầu, ba năm liền (2021, 2022 và 2023), thành phố đã lựa chọn và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Từ đó, thành phố khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Tuy nhiên, việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm. Có tình trạng thiếu chủ động trong tham mưu hoặc tham mưu "lòng vòng", không nêu rõ quan điểm.

Có lúc, có nơi kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, cá biệt có nơi buông lỏng; vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn yếu kém, thiếu quyết liệt, thiếu sâu sát, sa đà vào công việc có tính sự vụ, thiếu tầm nhìn, tư duy chiến lược.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý "bàn lùi", "không làm thì không sai", không dám tham mưu, đề xuất, đùn đẩy, né tránh, không có quy trình, quy định giải quyết công việc hoặc có nhưng không thực hiện, thậm chí không quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền... Tình trạng này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố và niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ðây là những hạn chế cần sớm phải khắc phục, trong dự thảo Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ, thấu đáo trước khi quyết định; chủ động dự báo tình hình, sâu sát cơ sở, tập trung ưu tiên giải quyết công việc nổi cộm, bức xúc, cấp bách mà thực tiễn đặt ra...

Ðồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy tổ chức Ðảng, thanh tra công vụ của cơ quan nhà nước; nâng cao tần suất, mật độ kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành quy định giờ giấc làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực và vi phạm khác; quyết tâm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, coi đây là "thước đo" đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị Ban chấp hành Ðảng bộ thành phố lần thứ 13 mới đây, các đại biểu thống nhất cao đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy sớm ban hành Chỉ thị, tạo động lực mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, qua đó phục vụ nhân dân tốt hơn, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quí Tiên, Chỉ thị có ý nghĩa chỉ đạo chung, trên cơ sở đó, các cấp ủy tổ chức Ðảng, đảng đoàn, sở, ban, ngành phải cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện, quy chế, quy trình công tác. Hiện nay, các quy trình, quy chế của các sở, ngành được thành phố duyệt thì tốt, nhưng quy trình nội bộ trong các sở còn rất ít và hạn chế. Do đó, để thực hiện hiệu quả, phải gắn trách nhiệm cá nhân với việc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; các kết luận thanh tra, kiểm toán, kiểm tra; giải quyết đơn thư... Ðồng thời thành phố phải có cơ chế kiểm đếm kết quả công việc này thường xuyên làm căn cứ đánh giá cán bộ, công chức.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường cho rằng, trước việc khó, nhiệm vụ phức tạp, cấp ủy cấp trên phải sẵn sàng lắng nghe, hậu thuẫn, bảo đảm để cán bộ cấp dưới yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Bí thư Huyện ủy Ðông Anh Lê Trung Kiên đề nghị, ngoài chỉ thị chung, có thể bổ sung phần phụ lục về những biểu hiện cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; trong đó, làm rõ những biểu hiện cụ thể về đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai. Ngoài nội dung về xử lý trách nhiệm, chỉ thị cũng nên có thêm phần thứ hai là phát hiện, biểu dương những cách làm hay, những nhân tố mới.

Ðồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, khắc phục chồng chéo, xây dựng quy trình, quy chế, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở. Khi xử lý, đánh giá cán bộ, phải làm rõ về động cơ và thái độ. Nếu cán bộ có động cơ, thái độ xấu thì xử lý và ngược lại, nếu động cơ và thái độ của cán bộ là tốt thì cần được bảo vệ, để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Cho ý kiến về nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Thông qua thực hiện Chỉ thị phải siết chặt được kỷ luật, kỷ cương, nâng cao được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, công việc phải chạy, phải tốt, dân phải được nhờ thì mới thực chất, hiệu quả ■