Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng, cải tạo chợ

Năm 2024, thành phố Hà Nội dự kiến khởi công xây mới 36 chợ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ; tuy nhiên, tiến độ triển khai đến nay còn chậm do nhiều nguyên nhân, đòi hỏi các địa phương quan tâm, đẩy nhanh tiến độ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) xuống cấp đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được xây dựng lại.
Chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) xuống cấp đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được xây dựng lại.

Quận Ðống Ða là một quận trung tâm của Thủ đô với 21 phường trực thuộc, diện tích chưa đầy 10 km2, dân số lên tới hơn 400 nghìn người. Nhưng hiện tại, trên địa bàn quận chỉ có 11 chợ nằm trong hệ thống mạng lưới chợ của thành phố. Các chợ đều được xây dựng và đưa vào sử dụng từ khoảng 25 năm-30 năm trước khi tiêu chuẩn thiết kế chợ TCVN 9211:2012 được ban hành.

Dù thời gian qua, các chợ này đã được quan tâm cải tạo, sửa chữa nhưng hạ tầng kỹ thuật nhiều chợ đã xuống cấp. Nền chợ thấp hơn nền đường giao thông bên ngoài; hệ thống cống, rãnh thoát nước bị vỡ, hỏng, nước thải ứ đọng; hệ thống mái xuống cấp, được sửa chữa chắp vá; các quầy hàng, bục bệ kinh doanh trong chợ xuống cấp…, không bảo đảm các điều kiện hoạt động về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị,… Hiện, trên địa bàn quận có năm chợ không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định hiện hành.

Trưởng phòng Kinh tế quận Ðống Ða Phạm Thị Trinh cho biết, việc xây chợ ở địa điểm mới thì dễ, không bị vướng về các thủ tục, nhất là việc ý kiến các hộ kinh doanh, bởi không cần có cơ chế đối thoại với người dân, nhưng việc cải tạo, xây dựng chợ trên nền chợ cũ thì rất khó khăn. Như câu chuyện tại chợ Kim Liên, mặc dù quận đã xin ý kiến các tiểu thương qua hai vòng đối thoại nhưng mới được hơn 50% số tiểu thương đồng thuận. Phương án xây dựng mới phải làm theo chỉ giới, đồng nghĩa với việc diện tích xây dựng chỉ được 60%, còn lại phải dành cho các công trình phụ trợ, hạ tầng, cây xanh.

Như vậy, không thể bố trí lại 100% các tiểu thương đều kinh doanh ở tầng 1 mà phải có hộ lên tầng 2, tầng 3. Do đó, những hộ không được kinh doanh ở tầng 1 nữa đều không đồng thuận với chủ trương của quận, khiến việc triển khai gặp khó. Ðại diện quận Ðống Ða cũng kiến nghị, nên có quy định về tỷ lệ các hộ kinh doanh đồng thuận thì sẽ được xây dựng, bởi rất khó để đạt được tỷ lệ 100% tiểu thương ủng hộ phương án xây chợ mới.

Những vướng mắc mà quận Ðống Ða đang gặp phải cũng là khó khăn chung của nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hệ thống chợ dân sinh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, dẫn đến các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm xuất hiện, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Sở Công thương Hà Nội, năm 2024, thành phố dự kiến khởi công xây mới 36 chợ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ. Ðến nay, về việc đầu tư xây mới chợ, hiện mới có sáu chợ hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; hai chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình, dự kiến hoàn thành trong quý II/2024; ba chợ đang thi công xây dựng; năm chợ đang giải phóng mặt bằng. Các chợ còn lại mới đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục đầu tư, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, phương án đầu tư, cân đối ngân sách…

Về cải tạo, nâng cấp chợ, có 18 chợ đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp; sáu chợ đang trong giai đoạn thi công; sáu chợ chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024; 14 chợ chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2025; chín chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công năm 2025. Các chợ còn lại đang trong giai đoạn thẩm định, hoàn thiện báo cáo đầu tư, cân đối ngân sách...

Trước tình trạng này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị, thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ, trong đó đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố và các Chương trình số 03-CTr/TU, số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự... đối với các chợ trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, công khai thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận khi triển khai các chủ trương, chính sách đối với việc phát triển, quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn. Ðơn vị quản lý chợ, chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình phải công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình trong chợ, xây dựng lại chợ.