Nhiều việc khó được giải quyết nhờ nâng cao kỷ cương, trách nhiệm

Sau gần một năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của thành phố đã từng bước phát huy hiệu quả. Nhiều việc khó, việc mới được giải quyết, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được nâng lên.
0:00 / 0:00
0:00
Phá dỡ công trình vi phạm trên đất công tại phường Định Công, quận Hoàng Mai. (Ảnh Vũ Công)
Phá dỡ công trình vi phạm trên đất công tại phường Định Công, quận Hoàng Mai. (Ảnh Vũ Công)

Thời gian qua, phường Định Công, quận Hoàng Mai để xảy ra một số vụ việc vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng gây bức xúc dư luận. Từ tháng 12/2023, nhiều lần Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai đã yêu cầu Ủy ban nhân dân phường Định Công kiểm tra, xử lý dứt điểm, nhưng thực tế không được cải thiện mà vẫn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình này, giữa tháng 5/2024, Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Định Công tạm dừng điều hành công việc để tập trung giải quyết những vướng mắc trong quản lý trật tự xây dựng. Sau khi nhận được chỉ đạo quyết liệt này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường đã cùng lực lượng chức năng tập trung xử lý các vi phạm. “Trước ngày 30/5/2024, phường Định Công cơ bản đã xử lý sai phạm về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và tiếp tục kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Định Công Nguyễn Thị Phượng khẳng định.

Đại diện Quận ủy Hoàng Mai cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Chỉ thị 46/CT-QU ngày 2/5/2024 tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận năm 2024 và các năm tiếp theo. Đây là biện pháp quyết liệt để ổn định công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quận, cũng như cụ thể hóa Chỉ thị 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của thành phố.

Lãnh đạo Quận ủy Hoàng Mai nhận định, một số cấp ủy còn “chưa kịp thời, thiếu quyết liệt” trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vì vậy Quận ủy đã đưa ra những giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, Ban Thường vụ Quận ủy nhấn mạnh “phường nào để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không xử lý, hoặc xử lý không kịp thời thì Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phải chịu trách nhiệm trước quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận”. Sự việc tại phường Định Công là một thí dụ điển hình về sự hiệu quả khi được chỉ đạo thực hiện một cách sát sao.

Không chỉ ở quận Hoàng Mai, sau khi triển khai Chỉ thị 24, tại các địa phương đã áp dụng những giải pháp quyết liệt hơn đối với cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Một số quận, huyện đã yêu cầu cán bộ tạm dừng các công việc khác để tập trung khắc phục tồn tại, sai phạm. Nếu sau thời gian được đặt ra mà không chuyển biến, cán bộ sẽ bị kỷ luật, thậm chí nghỉ công tác.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU tại địa phương, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân cho biết, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, lãnh đạo quận Long Biên xác định, những vấn đề đặt ra tại chỉ thị là đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó đặt ra yêu cầu, Đảng bộ quận phải thực hiện chỉ thị đạt hiệu quả. Ban Thường vụ Quận ủy đã tổ chức học tập chuyên đề về chỉ thị này để lan tỏa sâu rộng nội dung, yêu cầu và tiến hành nhận diện 25 biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội theo gợi ý. Đối tượng học tập, nghiên cứu sâu về chỉ thị là toàn bộ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Sau hội nghị quán triệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải liên hệ với chức trách, nhiệm vụ được giao của cá nhân để viết bài thu hoạch.

Ban Tổ chức Quận ủy tham mưu đề xuất 90 đối tượng cần nhận diện thường xuyên và Ban Thường vụ Quận ủy cho ý kiến, đó là những cán bộ có nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên tiếp xúc nhân dân và cán bộ cấp phường. Đáng chú ý, quận Long Biên cụ thể hóa 25 biểu hiện nhận diện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội tại Chỉ thị số 24-CT/TU thành 41 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và 38 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với công chức để có thể đánh giá một cách công tâm, khách quan, tránh cảm tính. Trên cơ sở đó, cán bộ quản lý phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và kết quả thực hiện là một kênh thông tin quan trọng đánh giá cán bộ.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố là tham mưu với cấp ủy cùng cấp tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU. Ban Tổ chức các quận, huyện, thị ủy đã tích cực tham mưu cấp ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung trong chỉ thị. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc đã có chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc phức tạp, tồn tại kéo dài nhiều năm đã được giải quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình ở địa phương, đơn vị.

Từ những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cấp, các ngành thành phố tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, lấy số lượng, chất lượng và hiệu quả hoàn thành các nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ.