Tăng cường kết nối việc làm

Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm. Các phiên giao dịch được tổ chức theo từng khu vực và chuyên đề khác nhau nhằm kết nối "người tìm việc - việc tìm người" một cách hiệu quả nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch việc làm tại quận Hà Đông thu hút nhiều người lao động đến tìm kiếm cơ hội. (Ảnh NAM DUY)
Phiên giao dịch việc làm tại quận Hà Đông thu hút nhiều người lao động đến tìm kiếm cơ hội. (Ảnh NAM DUY)

Huyện Mê Linh có khoảng 183 nghìn người ở trong độ tuổi lao động. Mỗi năm, trung bình có khoảng 2.500 đến 3.000 lao động trên địa bàn có nhu cầu tìm việc làm. Để đáp ứng nhu cầu này, mới đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh tổ chức Phiên giao dịch việc làm huyện Mê Linh năm 2024.

Tại phiên giao dịch có 32 đơn vị doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với tổng 1.840 chỉ tiêu việc làm. Trong đó, hầu hết là các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn hoặc gần huyện Mê Linh như các khu công nghiệp Quang Minh, Thăng Long, Nội Bài...

Tại phiên giao dịch, hàng nghìn người lao động đã có cơ hội phỏng vấn tuyển dụng các vị trí việc làm đa dạng như quản lý cửa hàng, trưởng ca sản xuất, nhân viên kinh doanh, nhân viên văn phòng, chuyên viên nhân sự, kế toán, kỹ sư, thủ kho, thợ may, điều dưỡng, lao động phổ thông...

Chị Nguyễn Minh Thu (ở xã Đại Thinh, huyện Mê Linh) cho biết: "Tôi đang không có việc làm nên đến phiên giao dịch với mong muốn tìm được công việc phù hợp. Tôi thấy các thông tin về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo nghề được thông báo cụ thể, rõ ràng về số lượng cần tuyển, địa chỉ làm việc..., giúp tôi dễ tìm hiểu và lựa chọn".

Tương tự, tại Phiên giao dịch việc làm của quận Hà Đông ngày 7/4, đã có 63 đơn vị tham gia với 12.517 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động, du học. Trong đó, các đơn vị tham gia tuyển dụng đa dạng các ngành nghề như kinh doanh thương mại, kinh doanh bất động sản, kế toán - kiểm toán, công nghệ thông tin, marketing, ngân hàng, y-dược..., xuất khẩu lao động tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đây là những cơ hội làm việc phù hợp lao động chất lượng cao, lao động đã được đào tạo nghề và lao động phổ thông, mức lương dao động từ 7 triệu đến 20 triệu đồng/tháng, đặc biệt có những vị trí có mức lương rất hấp dẫn, từ 55 triệu đến 65 triệu đồng/tháng.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam khẳng định: "Việc tổ chức phiên giao dịch và tư vấn việc làm tại các địa phương là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn và khu vực lân cận. Đây cũng là cơ hội tốt để lực lượng lao động được cung cấp thông tin thị trường lao động, từ đó, trang bị thêm kỹ năng và kiến thức, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm".

Đáng nói, không chỉ tổ chức các phiên giao dịch, tư vấn việc làm theo từng khu vực, các đơn vị còn tổ chức theo từng chuyên đề khác nhau để kết nối doanh nghiệp - người lao động một cách hiệu quả nhất, nhất là với những người lao động khá đặc thù. Ngày 16/4, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Tại phiên giao dịch này, có 1.117 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh.

Trong đó, có 11 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật như Hợp tác xã Trái Tim Hồng, Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Khuyết tật Vườn Hướng Dương, Công ty TNHH Xã hội 3/12... đã tham gia với 386 chỉ tiêu tuyển dụng.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Trịnh Xuân Dũng cho biết: "Tại phiên giao dịch, Ban tổ chức đã tư vấn chính sách về việc làm, phổ biến kỹ năng tìm việc, cung cấp thông tin thị trường lao động cho người khuyết tật. Hội Người khuyết tật Hà Nội mong muốn những hoạt động như thế này được duy trì định kỳ để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận việc làm phù hợp".

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quý I/2024, thành phố đã giải quyết việc làm cho 45.602 lao động, đạt 28,1% kế hoạch năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, có 1.112 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. 26.962 lao động tự tạo việc làm và tìm việc qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố...

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 54 phiên giao dịch việc làm (trong đó có hai phiên chuyên đề; một phiên lưu động; bốn phiên trực tuyến) với 1.715 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Qua đó, hơn 11.500 người lao động đã được phỏng vấn, hơn 3.600 lao động đã tìm được việc làm.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thành phố vừa có kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động, cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025. Đây là cơ sở quan trọng để quản lý lao động, thiết lập sổ lao động điện tử cho người lao động, đồng thời, hoạch định các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.