Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5), chiều 10/5 Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo và Tọa đàm “Hợp tác và phát triển giữa các Trung tâm và Chương trình khoa học tự nhiên của UNESCO” nhằm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu toán học quốc tế (Trung tâm dạng II dưới sự bảo trợ của UNESCO); thảo luận hướng tới kết nối với các chương trình chuyên môn trong Tiểu ban Khoa học tự nhiên cũng như các Tiểu ban chuyên môn khác trong UNESCO.
Phát biểu chào mừng sự kiện, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Hoàng Hà nhấn mạnh, nghiên cứu cơ bản được đánh giá là tiền đề, cơ sở để phát triển nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Năm 2022 đã được Liên Hợp quốc lựa chọn là “Năm quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”, trong đó tập trung vào các liên kết giữa các ngành khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững với thông điệp “thông qua sự hiểu biết cơ bản về tự nhiên, triển khai hiệu quả hơn các chương trình hành động vì lợi ích của tất cả mọi người”. Điều này cũng gắn kết với mục tiêu chủ đề của Ngày Khoa học và Công nghệ năm 2024 “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo-khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”.
Được thông qua thành lập tại Phiên họp lần thứ 38 (năm 2015) của Đại hội đồng UNESCO và chính thức phát triển trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo toán học quốc tế và Trung tâm Vật lý quốc tế đặt tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành các hoạt động đào tạo và nghiên cứu vật lý và toán học trình độ quốc tế thông qua các lớp học, hội nghị, hội thảo; tài trợ tài năng trẻ của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, hướng tới một số nước trong khu vực châu Phi - nơi Vật lý và Toán học còn đang phát triển; đồng thời bước đầu tổ chức các nhóm và thực hiện các đề tài nghiên cứu nhằm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng sự tham gia của các nhà vật lý và toán học nước ngoài.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Hoàng Hà phát biểu tại sự kiện. |
Bên cạnh đó, hai trung tâm cũng đã tổ chức thành công hàng chục sự kiện khoa học lớn, thu hút hàng nghìn người tham dự trực tiếp, và hàng trăm nghìn lượt xem trực tuyến, góp phần thực hiện mục tiêu UNESCO về hợp tác, phát triển nghiên cứu và đào tạo khoa học cũng như phổ biến khoa học tới cộng đồng.
Kế thừa những thành tích nghiên cứu và đào tạo tại hai Viện Toán học và Viện Vật lý - đơn vị chủ trì hai trung tâm, việc xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo toán học quốc tế và Trung tâm Vật lý quốc tế từng bước khẳng định sự hội nhập quốc tế của khoa học Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đề xuất hai trung tâm nghiên cứu thêm các lĩnh vực đào tạo phù hợp bên cạnh toán và vật lý, đồng thời tiếp thu có sàng lọc các định hướng chuẩn mực của UNESCO và học hỏi một số công nghệ mới trên thế giới.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu tại sự kiện. |
Tại phần tọa đàm, các đại biểu đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các chương trình khoa học trong Tiểu ban Khoa học tự nhiên, các trung tâm dạng II do UNESCO bảo trợ trên thế giới, kinh nghiệm phát triển hai trung tâm cũng như hoạt động của Chương trình thủy văn quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa trong Tiểu ban Văn hóa UNESCO.
Các đại biểu cũng giao lưu, chia sẻ sâu thêm về kinh nghiệm phát triển, đề xuất ý tưởng kết nối hợp tác, để cùng thực hiện và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành cho khu vực và quốc tế, phù hợp với các chính sách và chiến lược của UNESCO, góp phần thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của UNESCO, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn giữa các nước thành viên, gắn với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của các nước đang phát triển, trong đó có phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học.