Ngày 29/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.
Nếu năm 2011, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6 tỷ USD thì đến năm 2021 tăng lên gần 9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) từ 1-1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Theo kế hoạch, cuối tháng 10 tới, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trực tiếp kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) ở Việt Nam.
Hiện, tổng số tàu cá toàn quốc là 91.716 chiếc. Tính đến ngày 25/9, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đạt 95,29%, tăng 5,03% so với trước. Các tỉnh đã thực hiện có kết quả tốt như: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng…
Tuy nhiên, việc quản lý tàu cá hiện vẫn còn bất cập, việc cập nhật quản lý đội tàu về cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia chưa đạt yêu cầu, mới chỉ đạt hơn 82% (75.235 tàu).
Tổng số tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản mới đạt 64,35% (59.018 trong số 91.716 tàu). Trong đó, đối với đội tàu từ 15m trở lên đạt 96,7%, tàu dưới 15m mới đạt 46,6%.
Công tác trực khai thác, sử dụng hệ thống giám sát tàu cá thiếu đồng bộ; việc thực hiện quy định về quản lý thiết bị VMS lắp đặt trên tàu cá chưa bảo đảm. Tình trạng mất kết nối VMS vẫn còn diễn ra, tàu cá vượt ranh giới trên biển phát hiện qua VMS nhưng kết quả điều tra, xử phạt còn ít...
Trung bình 1 ngày có khoảng 400 đến 500 tàu cá mất kết nối trên biển, không rõ nguyên nhân, chiếm khoảng 3% số tàu hoạt động trên biển; có tình trạng nhiều tàu cá cố tình ngắt kết nối khi ra sát vùng ranh giới trên biển cho phép.
Tình trạng thường xảy ra mất kết nối nhưng các đơn vị cung cấp thiết bị chưa kịp thời phối hợp với các địa phương xác định nguyên nhân, phục vụ xử lý.
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, giám sát.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử phạt chưa đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời.
Vẫn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ khai thác chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Các đại biểu nhấn mạnh, các địa phương, đơn vị liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; khẩn trương rà soát, thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS và khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để quản lý hoạt động của tàu cá địa phương trên biển.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản một cách chặt chẽ, đúng quy định; rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương, bảo đảm ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân. Tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về chống khai thác IUU...