Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU ở tỉnh Thái Bình

NDO - Từ một tỉnh trong nhiều năm bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhắc nhở, cảnh báo còn nhiều tồn tại trong thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), đến nay, tỉnh Thái Bình đang quyết tâm giảm thiểu những hạn chế, thiếu sót trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển của ngư dân.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU ở tỉnh Thái Bình

Tháng 4/2022, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU do Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến dẫn đầu về làm việc với tỉnh Thái Bình.

Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Cửa Lân (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải), đoàn công tác thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm còn chậm khắc phục trong chống khai thác IUU đã từng được nhắc nhở trong lần kiểm tra tháng 6/2020.

Nghiêm túc tiếp thu những góp ý, đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, ngay trong tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã họp triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân hai huyện ven biển là Tiền Hải, Thái Thụy cùng nhiều sở, ngành khẩn trương tháo gỡ tồn tại, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Trong những ngày tháng 8 này, chúng tôi trực tiếp về làm việc, ghi nhận những chuyển biến ban đầu tại cảng cá: Cửa Lân, Diêm Điền, Đông Tiến, cũng như hoạt động quản lý, kiểm soát của Chi cục Thủy sản và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình trên tuyến biển.

Tại khu vực bến cá Đông Tiến trên sông Trà Lý, nhiều ngư dân cho biết đã có nhận thức nghiêm túc về chống khai thác IUU và đồng thuận cao với việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình. Tàu cá khi ra khơi có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định; tàu trên 15 mét đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Ngư dân khai thác trên biển đều ghi chép, cập nhật thường xuyên sản lượng thủy sản đánh bắt và điều ấn tượng là hiện nay ngư dân khu vực Thái Đô, Thái Thượng (huyện Thái Thụy) đã chấm dứt việc đánh bắt cá bằng kích điện.

Trung tá Vũ Quốc Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trà Lý chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức việc chống khai thác IUU để gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian hiện nay.

Đơn vị phối hợp chặt chẽ với các xã ven biển huyện Thái Thụy đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó cử cán bộ, chiến sĩ xuống từng phương tiện thông tin, trao đổi, lập danh sách rà soát các phương tiện có nguy cơ cao và yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành các quy định hiện hành”.

Chỉ tính từ ngày 1/7 đến 5/8/2022, Đồn Biên phòng Trà Lý đã đăng ký kiểm chứng biên phòng cho 89 phương tiện; kiểm soát 259 phương tiện với 782 lao động xuất, nhập bến. Lập chốt kiểm soát tàu cá ra vào với 12 cán bộ, chiến sĩ thường xuyên túc trực làm việc, cùng 2 xuồng cao tốc, 2 mô-tô phục vụ công tác tuần tra.

Trong đợt cao điểm vừa qua, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào đánh bắt sai vùng, tuyến cũng như sử dụng ngư cụ cấm, thuốc nổ, xung điện. Tuy nhiên, đã phát hiện phương tiện của ông Phạm Văn Thắng, trú tại xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) vượt ranh giới vùng biển Việt Nam vào ngày 16/7.

Sau khi thống nhất với đại diện các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu ngư dân viết cam kết không vi phạm. Đề nghị ngư dân quản lý chặt chẽ hoạt động của phương tiện, chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU ở tỉnh Thái Bình ảnh 1

Đồn Biên phòng cảng cửa khẩu Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) kiểm tra thủ tục giấy tờ của tàu thuyền tại cảng cá Tân Sơn.

Còn tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền (huyện Thái Thụy), cán bộ, chiến sĩ tại đây cũng đang siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát phương tiện ra khơi. Kiên quyết không giải quyết cho tàu cá không đủ thủ tục, giấy tờ và thiếu trang thiết bị theo quy định được xuất bến.

Qua rà soát, tại khu vực đơn vị quản lý (gồm 4 xã, thị trấn) có 5 tàu cá chiều dài từ 24 mét trở lên chưa bảo đảm giấy tờ theo quy định như giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật hết hạn, chưa gia hạn giám sát hành trình.

Ngoài ra, có 44 tàu cá chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét chưa đủ thủ tục, giấy tờ và 6 tàu cá chưa lắp thiết bị hành trình. Đây là những phương tiện có nguy cơ tiềm ẩn trong vi phạm chống khai thác IUU nếu như lực lượng chức năng lơ là, chủ quan, không quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đam, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là cảng cá Tân Sơn chưa được công nhận là cảng cá loại 2, thiếu dịch vụ hậu cần nghề cá, luồng lạch không được nạo vét. Địa bàn quản lý trải dài cùng với số lượng phương tiện rất lớn tạo nên khó khăn không nhỏ trong kiểm tra, kiểm soát.

Để triển khai chống khai thác IUU, trong những tháng cao điểm vừa qua, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã cử lực lượng hơn 20 người chốt ở ngã ba sông Diêm Hô và sông Hóa, duy trì hoạt động 24/24 giờ yêu cầu ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật.

Nếu không đủ thủ tục, giấy tờ sẽ không cho xuất bến, đồng thời ký cam kết đến tận từng ngư dân trên địa bàn.

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU ở tỉnh Thái Bình ảnh 2

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) tuyên truyền pháp luật cho ngư dân xã Nam Thịnh.

Tại Đồn Biên phòng Cửa Lân (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải), chúng tôi có dịp trao đổi với Trung tá Lê Trọng Anh, Phó Đồn trưởng chung quanh hoạt động thực thi nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại địa phương.

Đồng chí thông tin nhanh, từ đầu năm đến nay đã xử lý 11 tàu cá với số tiền 99 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định, không viết số đăng ký tàu cá, thuyền viên trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên…

Tuy nhiên, so với các năm trước đây thì hiện nay việc chống khai thác IUU đã tạo được chuyển biến ban đầu về nhận thức trong phần lớn ngư dân. Tại Tiền Hải, từ đầu năm đến nay không có trường hợp tàu cá nào xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Cũng không có trường hợp nào vượt ranh giới phân định vịnh Bắc Bộ để khai thác hải sản trái phép. Tất cả tàu cá ở Tiền Hải có chiều dài từ 15 mét trở lên (23 chiếc) đều hoàn thiện đầy đủ giấy tờ, thủ tục và lắp máy giám sát hành trình theo quy định.

Được biết, tại 8 xã vùng biên giới biển huyện Tiền Hải đều có cán bộ bám nắm địa bàn, trực tiếp ở cùng với ngư dân để tuyên truyền chống khai thác IUU. Ngoài phát thanh trên hệ thống loa của xã và bến cá, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân tổ chức phát tờ rơi tận tay ngư dân, rồi triển khai ký cam kết, không vi phạm 14 hành vi khai thác bất hợp pháp IUU.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay địa phương khá lúng túng trong việc quản lý, xử lý những tàu nhỏ của bà con ngư dân đang hoạt động nuôi ngao trên đầm, bãi. Với diện tích sản xuất ngao rất lớn, trải dài ở nhiều xã ven biển, đi liền với đó là xuất hiện rất nhiều phương tiện chở người ra làm việc.

Hầu hết, tàu thuyền dạng này không đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định, có phương tiện chở hàng chục người ra biển, nếu cho đi lực lượng biên phòng phải chịu trách nhiệm, nhưng không cho tàu xuất bến thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, thu nhập của hàng nghìn ngư dân.

Đặc thù tàu thuyền ở Tiền Hải chủ yếu mua đi, bán lại cho nhau, không rõ nguồn gốc nên việc đăng ký, đăng kiểm đang gặp vướng mắc, chưa có giải pháp tháo gỡ.

Tiếp xúc với ngư dân tại thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) và xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải), bà con cho biết, phần lớn tàu cá có công suất nhỏ, đi về trong ngày, đánh bắt ven bờ, thời gian đi biển không nhiều, trong khi đó mỗi tháng phải trả phí dùng máy giám sát hành trình với số tiền rất cao, nên mong muốn Nhà nước xem xét, có chính sách hỗ trợ bà con ngư dân để phần nào vơi bớt khó khăn.

Đề cập đến việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU, ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình khẳng định: “Trong mấy tháng qua, việc thực hiện tại các địa phương rất tốt. Cụ thể như việc kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền tại cảng cá đã đi vào nề nếp, bà con ngư dân chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, điển hình là một số ngư dân chưa chấp hành đúng quy định, cố tình ngắt kết nối máy giám sát hành trình gây khó khăn cho cơ quan quản lý”.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ rất cụ thể cho huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải. Theo đó, 2 huyện này chịu trách nhiệm về việc chủ tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên của địa phương không kích hoạt thuê bao, không thực hiện các quy định về chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá chưa thực hiện đúng, đầy đủ vai trò, chức trách được giao; tổng hợp kết quả thực hiện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.