Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) cho biết, sự hình thành của tảng băng mới không phải do biến đổi khí hậu, vốn đang đẩy nhanh tốc độ mất băng biển ở Bắc Cực và một phần của Nam Cực.
Tảng băng trôi được đặt tên là Chasm-1, rộng 1.550km2, tách ra khỏi thềm băng Brunt dày 150m một thập kỷ sau khi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra những vết nứt lớn trên thềm băng.
Bản đồ cho thấy Chasm-1 đã tạo ra một tảng băng khổng lồ có kích thước bằng Greater London. Ảnh: BAS |
Một năm trước, đã xảy ra sự tách biệt ngoạn mục tương tự, liên quan đến một tảng băng rộng 1.270km2.
"Sự kiện lần này đã được dự đoán trước và là một phần trong hành vi tự nhiên của thềm băng Brunt", nhà nghiên cứu về sông băng của BAS, Dominic Hodgson, cho biết. "Nó không liên quan đến biến đổi khí hậu", ông nói thêm.
Trạm nghiên cứu Halley VI của Anh giám sát tình trạng của thềm băng nổi rộng lớn hàng ngày nhưng không bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ băng mới nhất.
Cơ sở nghiên cứu di động đã được di dời vào đất liền vì lý do an toàn vào năm 2016-2017 khi các vết nứt trên băng có nguy cơ phá vỡ nó.
Kể từ đó, các nhân viên chỉ được làm việc ở đó trong mùa hè ở Nam Cực từ tháng 11 đến tháng 3. Hiện đang có 21 nhà nghiên cứu có mặt tại đó.
Họ duy trì các nguồn cung cấp năng lượng và cơ sở vật chất giúp các thí nghiệm khoa học hoạt động từ xa trong suốt mùa đông, khi trời tối trong 24 giờ và nhiệt độ xuống dưới âm 50 độ C.
Ông Hodgson nói thêm: “Các nhóm khoa học và vận hành của chúng tôi tiếp tục theo dõi thềm băng trong thời gian thực để bảo đảm nó an toàn và để duy trì việc cung cấp khoa học mà chúng tôi đảm nhận tại Halley”.
Theo BAS, cơ quan hàng đầu thế giới về nghiên cứu môi trường trong khu vực, tảng băng trôi sẽ được ghi nhận bằng máy bay vào khoảng ngày 6/2 tới.