Tác giả chính, Phó giáo sư, nhà địa mạo Dan Shugar, Đại học Calgary, Canada cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng không phải tất cả nước tan chảy đều chảy ngay vào đại dương. Nhưng cho đến nay không có dữ liệu nào để ước tính có bao nhiêu nước được lưu trữ trong các hồ hoặc nước ngầm".
Ông cho biết phát hiện được công bố hôm 31-8 trên tạp chí Nature Climate Change sẽ giúp các nhà khoa học và chính phủ xác định các mối nguy tiềm ẩn đối với các cộng đồng ở hạ lưu những hồ thường không ổn định này.
Nghiên cứu cho thấy sự gia tăng đáng kể về thể tích các hồ kể từ năm 1990. Các cộng đồng miền núi sống ở hạ lưu có nguy cơ bị lũ lụt tàn phá.
Phó giáo sư Dan Shugar cho biết: “Vào năm 2019, tôi đã lần theo dấu vết của trận lũ kinh hoàng ở Peru. Nhiều hồ trên dãy Andes nằm bên dưới những chỏm băng cao chót vót đang trải qua giai đoạn thay đổi khi biến đổi khí hậu khiến chúng thành nơi tích tụ nước trong các lưu vực phình to. Các cộng đồng dễ bị tổn thương nằm bên dưới những hồ này. Nhưng có rất ít dữ liệu về việc nhiều hồ băng đang ứ nước và nguy hiểm như thế nào”.
Theo nghiên cứu trước đó, từ năm 1994 đến 2017, các sông băng trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng núi cao, đã đổ khoảng 6,5 nghìn tỷ tấn nước.
Anders Levermann, giáo sư khí hậu tại Viện tác động biến đổi khí hậu Potsdam, nói với AFP: “Trong 100 năm qua, 35% mực nước biển dâng trên toàn cầu là do băng tan chảy. Các nguồn chính khác của mực nước biển dâng là các tảng băng và sự giãn nở của nước biển khi nhiệt độ ấm lên".
Nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất đã tăng 1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp, nhưng các vùng núi cao trên khắp thế giới đã ấm lên gấp đôi tốc độ đó, làm tăng tốc độ tan chảy của sông băng.
Không giống như các hồ bình thường, các hồ nước từ sông băng không ổn định vì chúng thường được quây xung quanh bởi băng hoặc trầm tích bao gồm đá rời và các mảnh vụn. Khi tích tụ nước tràn qua các rào cản tình cờ này, lũ lụt lớn có thể xảy ra ở hạ lưu.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, loại lũ lụt gây ra từ những hồ băng tan chảy đã gây ra cái chết cho hàng nghìn người trong thế kỷ trước, cũng như phá hủy làng mạc, cơ sở hạ tầng và giết chết gia súc.
Sự cố được ghi nhận gần đây nhất là một vụ vỡ hồ băng trôi qua Thung lũng Hunza ở Pakistan vào tháng 5.
Vào tháng 1, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc ước tính hơn 3.000 hồ băng đã hình thành ở khu vực Hindu Kush-Himalayan, với 33 hồ có nguy đe dọa đến cuộc sống của 7 triệu người.