Với một Di sản Văn hóa thế giới như Hoàng thành Thăng Long, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn để vừa nghiên cứu, vừa phát huy những giá trị của di sản cha ông, đưa đến công chúng.
Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long (nằm trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều cuộc khai quật khảo cổ được tiến hành trong những năm qua để làm rõ hơn giá trị của trung tâm quyền lực tối cao của nhà nước phong kiến trong suốt tám thế kỷ. Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội năm 2022 được đánh giá có nhiều đột phá.
Mở cánh cửa về quá khứ
Phó Giáo sư Tống Trung Tín, Chủ nhiệm công trường khảo cổ Hoàng thành Thăng Long chia sẻ: “Cái khó nhất của khảo cổ Hoàng thành Thăng Long là các lớp văn hóa chồng lấp lên nhau. Lớp văn hóa thời Lý chồng lên lớp thời Đại La. Lớp thời Trần lại chồng lên thời Lý. Đến lượt lớp thời Lê sơ, Lê Trung hưng, thời Nguyễn lại chồng lên thời Trần. Muốn hiểu các dấu tích kiến trúc, dấu tích cung điện thời Lý, thời Trần thì phải đào xuyên qua các lớp thời Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn. Chúng tôi luôn gặp một bài toán khó khi quyết định cái gì nên giữ nguyên hiện trạng khi đào được, cái gì sẽ được tư liệu hóa rồi dỡ ra, đào tiếp xuống phía dưới”.
Vượt qua những thách thức, các cuộc khai quật khảo cổ dần làm rõ những bí ẩn trong lòng đất. Điều được các nhà khoa học quan tâm nhất là không gian nơi thiết triều thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Không gian này là một trục trung tâm, gồm: Đoan Môn, sân Đan Trì (thiết triều, nơi các quan đứng), điện Kính Thiên. Hiện tại, chỉ Đoan Môn còn tương đối nguyên vẹn, điện Kính Thiên chỉ còn nền cũ với đôi rồng đá từ thời Lê, sân thiết triều thì đã nằm sâu dưới lòng đất.
Các cuộc khảo cổ đã xác định quy mô sân Đan Trì kéo dài từ Đoan Môn đến nền điện Kính Thiên, hai bên có hành lang. Quy mô của thời Lê sơ và Lê Trung hưng ít thay đổi, với tổng diện tích khoảng 35.000m2. Đây là không gian rất lớn so với không gian thiết triều của nhiều quốc gia đương thời. Phát hiện có tính đột phá của đợt khai quật khảo cổ năm 2022 là dấu tích bó nền ở sân Đan Trì niên đại thời Lê Trung hưng.
Điều này cho thấy nhiều khả năng, sân Đan Trì không phải một mặt phẳng đồng nhất mà có hai cấp. Sân Đan Trì chủ yếu được lát bằng gạch vồ xám với số lượng và mặt phẳng sân được tìm thấy trên phạm vi rộng. Cũng ở lớp văn hóa Lê Trung hưng còn phát hiện móng ngự đạo (đường vua đi).
Dù đã bị phá hủy bởi thời gian, ngự đạo được xác định gồm ba làn, làn giữa rộng 3,8m, hai làn hai bên mỗi làn rộng khoảng 1,5m. Đối với lớp văn hóa thời Lê sơ, phát hiện quan trọng nhất là gạch lát đường ngự đạo. Đó là những viên gạch vuông đỏ kích thước rất lớn, khoảng 55x55cm và dày tới 9cm. Tất cả móng đường ngự đạo, nền sân qua các thời kỳ đều được gia cố kỹ càng, tạo mặt phẳng bằng nhiều lớp vật liệu.
Sâu hơn những dấu tích kiến trúc nêu trên là những phế tích kiến trúc thời Lý, thời Trần. Đối với thời Lý, một đoạn móng tường dài 32m, có cấu trúc rất lớn, móng có độ rộng lên tới 2,4m theo hướng đông-tây, được đầm chắc từ nhiều lớp sỏi, đất sét.
Trước đây, các nhà khoa học từng xác định một hào nước rộng 2m, sâu 2m, lát gạch đỏ và gia cố kỹ càng thì nay tiếp tục phát hiện thêm một đoạn hào nước nữa. Ngoài ra, còn nhiều hiện vật quan trọng khác như dấu tích nền sân, dấu tích móng cột (thuộc về một công trình chưa xác định), hệ thống cống nước...
Ban đầu, giả thuyết chiếm ưu thế trong giới nghiên cứu là trục trung tâm thời Lý (trong đó có điện Càn Nguyên, sau đổi là Thiên An là nơi thiết triều) được cho là cơ bản trùng với trục trung tâm thời Lê. Thế nhưng, Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành cho rằng, việc xuất hiện móng tường đồ sộ tại đây khiến cơ sở khoa học cho giả thiết này suy yếu. Vì trục trung tâm rất hiếm khi bị cắt ngang bởi bức tường lớn.
Do đó, việc mở rộng khảo cổ để nghiên cứu là cần thiết. Các nhà khoa học khẳng định, những phế tích kiến trúc thời Lý, dù đã xác định được công năng hay chưa, đều khẳng định một điều rằng, quy mô các công trình rất lớn, được thiết kế vững chãi mà thẩm mỹ, xứng đáng là triều đại đặt nền móng cho văn minh Đại Việt nghìn năm. Các công trình để lại cho hậu thế bài học về xây dựng, kiến thiết. Chẳng hạn như hàng nghìn năm trước, cha ông ta đã xây dựng đường thoát nước lớn đến mức người lớn có thể đi lại trong đó.
Cùng với những cuộc khai quật khảo cổ, những kiến giải về cung điện, lầu gác thuở xưa càng được làm rõ. Tuy nhiên, theo từng năm, kết quả khai quật lại đặt thêm những câu hỏi mới. Thí dụ năm 2022, hai phát hiện quan trọng là dấu tích bó nền, gạch lát đường ngự đạo đều được tìm thấy ở dưới nền nhà Cục Tác chiến. Đây là tòa nhà do người Pháp xây dựng, được Bộ Quốc phòng sử dụng một thời gian. Tòa nhà hiện chắn ngang không gian từ điện Kính Thiên đến Đoan Môn, nằm chồng lên những lớp di tích, cản trở công tác nghiên cứu, phát huy giá trị.
Phó Giáo sư Đặng Văn Bài cho biết: “Mặc dù kết quả khai quật đã cho chúng ta biết nhiều thứ, nhưng hiểu biết của các nhà khoa học vẫn như “thầy bói xem voi”, vì còn nhiều điều chưa được giải mã. Vì vậy, việc nghiên cứu cần được tiếp tục, tiến tới phục dựng điện Kính Thiên. Để làm được điều này, cần đề xuất UNESCO cho phép hạ giải nhà Cục Tác chiến, bởi tòa nhà này không đại diện cho trung tâm quyền lực xuyên suốt nhiều thế kỷ-một trong những tiêu chí Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản. Sau khi hạ giải, chúng ta có thể “bảo tồn” tòa nhà bằng cách khác, thí dụ bằng việc số hóa”.
Việc hạ giải nhà Cục Tác chiến để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long cũng nhận được sự đồng thuận của đông đảo giới nghiên cứu. Nếu không hạ giải tòa nhà, thì tình trạng “thầy bói xem voi” vẫn tiếp diễn với không gian quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long.
Cần một chiến lược dài hạn
Phục dựng nghi lễ Tiến lịch tại Hoàng thành Thăng Long. |
Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, đơn vị được giao quản lý Hoàng thành Thăng Long đã có nhiều hoạt động phát huy giá trị di sản. Điển hình trong đó là tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đón khách vào hai buổi tối cuối tuần, các lớp giáo dục di sản dành riêng cho các em học sinh như “Em làm nhà khảo cổ”...
Đối với hoạt động văn hóa phi vật thể, trung tâm đã phục dựng nhiều nghi lễ cung đình, được giới khoa học đánh giá cao như: Lễ dựng cây nêu, cúng Táo quân chuẩn bị đón Tết, Nghi lễ tiến lịch (dâng lịch cho vua), Lễ tiến xuân ngưu (Lễ dâng trâu mùa xuân, một lễ hội vừa mang tính chất cung đình, vừa có tính dân gian mừng năm mới) hay hoạt động cung đình trong Tết Đoan ngọ... Song, nhìn chung, với tầm vóc một Di sản Văn hóa thế giới như Hoàng thành Thăng Long, những hoạt động nêu trên vẫn chưa xứng tầm.
Di sản Hoàng thành Thăng Long gồm hai bộ phận cấu thành: Vật thể và phi vật thể-những hoạt động, nghi lễ gắn liền với những hạng mục công trình thuở trước. Làm thế nào để đưa di sản đến công chúng một cách thuyết phục, hấp dẫn, tôn trọng giá trị di sản là việc không dễ dàng.
Tiến sĩ Lê Việt Anh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị: “Chúng ta cần có một tầm nhìn dài hạn cho bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long mà không nên thỏa mãn với kết quả nghiên cứu. Những nghiên cứu chúng ta đã làm được không ít, nhưng công chúng và cộng đồng cần được biết đến. Thậm chí, chúng ta phải tính đến việc phải làm gì cả ở giai đoạn “hậu khảo cổ”. Bởi lẽ với một di sản như Hoàng thành Thăng Long, việc phát huy giá trị bền vững là rất khó, có những việc đã đề ra hôm nay, phải mất đến 5-10 năm nữa mới giải quyết được”.
Đi vào cụ thể, Phó Giáo sư Đặng Văn Bài cho biết, tất cả những gì chúng ta tìm được, phát hiện được dù hấp dẫn đến mấy cũng là tài nguyên văn hóa. Muốn phát huy được thì phải phát triển những dịch vụ, sinh hoạt văn hóa thành “gói sản phẩm” để có thể mua được.
Phó Giáo sư Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Các kết quả nghiên cứu chỉ phát huy giá trị khi nó đến được công chúng, được “kể” thành những câu chuyện với công chúng. Bây giờ chúng ta phải nghĩ ngay đến việc khi tìm được viên gạch lát đường ngự đạo thì những nghi lễ diễn ra tại đó trước đây như thế nào, ở đó từng diễn ra những gì dưới các triều đại xưa? Hay khi tìm thấy những di vật cổ, chúng ta nghiên cứu xem làng nghề nào đã làm ra những di vật ấy, làng nghề ấy còn tồn tại không? Hay các cống nước, chúng ta có thể kể thành chuyện sử dụng nước, phân phối nước, thoát nước trong cung đình. Chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu ngay từ bây giờ thì mới có thể xây dựng những sản phẩm trong tương lai”.
Hoàng thành Thăng Long đã được phát lộ 20 năm nay, 12 năm được ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Việc nghiên cứu, phát huy giá trị cần được triển khai khẩn trương hơn. Thí dụ như phục dựng điện Kính Thiên là mong mỏi, nguyện vọng không chỉ giới khoa học và nhân dân cả nước. Việc này đã được đề cập nhiều năm qua, nhưng việc triển khai trên thực tế còn hết sức chậm chạp. Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu để chậm trễ việc nghiên cứu, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, trong đó có phục dựng điện Kính Thiên thì chúng ta vừa có lỗi với tiền nhân, vừa có lỗi với nhân dân.