Theo bài viết, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm thành công và mang tính bước ngoặt tới Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, bao gồm cả quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Theo tác giả, chuyến thăm đã cho thấy vị thế chủ chốt của Việt Nam trong việc định hình quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. Trong khi đó, quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng giúp tăng cường vai trò đối tác của New Delhi với ASEAN, qua đó tái khẳng định vị thế của Việt Nam với tư cách là một bên đa phương.
Về kinh tế, bài viết cho rằng Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế triển vọng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến ở mức từ 6% đến 8%.
Bài viết cũng nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan điểm của Việt Nam trong vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các nước lớn, những đối tác của ASEAN, có thể đưa quan hệ đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm, đồng thời tham gia đóng góp cho khu vực trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, tham vấn đầy đủ với ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thủ tướng hoan nghênh các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Về quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, bài viết nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục mở ra triển vọng cho mối quan hệ song phương.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam mong muốn đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển.