Suy hô hấp vì mắc cúm A, một phụ nữ phải can thiệp ECMO

NDO - Sau một ngày điều trị ở tuyến dưới vì bị suy hô hấp do mắc cúm A nhưng không đáp ứng, một nữ bệnh nhân đã được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và được can thiệp ECMO khẩn cấp. 
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Phạm Văn Phúc can thiệp ECMO cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc can thiệp ECMO cho bệnh nhân.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ, 40 tuổi, ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Bệnh nhân được Bệnh viện tuyến dưới chuyển đến với chẩn đoán: suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Trước đó khi khởi phát mắc cúm A, bệnh nhân sốt cao gai rét liên tục, kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần.

Bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện tuyến dưới một ngày không cải thiện và được chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại đây bệnh nhân suy hô hấp, viêm phổi, thở ô-xy kính, thở ô-xy mask và đặt ống thở máy. Tuy nhiên bệnh nhân không đáp ứng với thở máy, các bác sĩ đã tiến hành đặt ECMO.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán cúm A trên nền suy tủy.

"Hiện tại bệnh nhân đang an thần, thở máy, phụ thuộc vào ECMO. Hôm nay, sau 1 ngày đặt ECMO, phổi của bệnh nhân đang có tiến triển hơn", bác sĩ Phúc cho hay.

Theo chuyên gia này, bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Do đó, với cúm A, các đối tượng có yếu tố nguy cơ trở nặng là người trên tuổi 65, bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu, trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai…

Để phòng tránh cúm A, theo bác sĩ Phúc, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hằng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A, không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp.