Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, mỗi năm Quảng Ninh có khoảng 60 nghìn hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở các cấp. Riêng năm 2022, đã có gần 50 nghìn hội viên nông dân đạt danh hiệu này.
Ở họ đều có điểm chung là tinh thần sáng tạo, dám đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, cũng như chủ động nắm bắt các cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mỗi năm, Quảng Ninh có khoảng 60 nghìn hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở các cấp. Riêng năm 2022, đã có gần 50 nghìn hội viên nông dân đạt danh hiệu này.
Sự đồng hành, hỗ trợ sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Nông dân các cấp cũng là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để người nông dân kiên định, thành công với con đường đã chọn.
Đặc biệt, thông qua phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, người nông dân đã góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030".
Mô hình trồng ổi lai lê của gia đình ông Vi Văn Đấu ở thôn Tân Mai, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà cho thu nhập ổn định. |
Là người đồng bào dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở xã Đồn Đạc, xã nghèo nhất huyện vùng núi Ba Chẽ, ông Triệu Quay Phúc đã vươn lên phát triển kinh tế với nghề ươm, trồng cây lâm nghiệp bản địa và là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Ông Phúc cho biết: Bình quân mỗi năm, gia đình ông cung cấp 500 nghìn cây giống cho người dân trên toàn huyện, tạo thêm công ăn việc làm cho 25 người dân trong thôn và thu nhập bình quân 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, mỗi năm gia đình tôi giúp đỡ ít nhất 10 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Mô hình trồng trà hoa vàng của ông Lê Mạnh Quy ở thôn 5, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà hiện có 4ha với hơn 10 nghìn cây trà hoa vàng. Hiện ông đã làm chủ các kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, xây dựng thương hiệu và buôn bán thương mại các sản phẩm trà hoa vàng. Mỗi năm thu khoảng 1 tấn hoa, lá trà hoa vàng khô, chế biến thành 10 loại sản phẩm khác nhau, được thị trường ưa chuộng, doanh thu gần 10 tỷ đồng, lợi nhuận.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hội viên dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Nhiều giống cây, con mới đưa vào sản xuất đã tạo thêm việc làm cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thêm thu nhập góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của anh Phạm Viết Cao ở thôn An Lợi, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà. |
Gia đình anh Phạm Viết Cao ở thôn An Lợi xã Quảng Tân với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp thỏ, dê và chim cút đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động người địa phương, hằng năm cho thu nhập 8 trăm triệu đồng/năm.
Hay như gia đình anh Phạm Văn Việt ở thôn Trại Khe, xã Đầm Hà từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng vợ chồng anh đã khởi nghiệp thành công với mô hình nhà vườn, chuyên cung cấp cây hoa, cây cảnh, cây công trình, cây bóng mát và giống cây ăn quả các loại.
Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi gần 300 triệu đồng. Anh Việt cho biết, tới đây vợ chồng anh sẽ đầu tư thêm mô hình vườn hoa hồng phục vụ du khách tới tham quan, chụp ảnh. Qua đó, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp hội, hội viên và nông dân, tạo động lực cho hàng nghìn hộ nông dân phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điểm cộng cho các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trong huyện là không những vươn lên làm giàu mà còn tạo việc làm tại chỗ cho hơn hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân ổn định từ 3 đến 5 triệu/người/tháng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà Nguyễn Hồng Thanh
Tại huyện miền núi Ba Chẽ, được sự hỗ trợ của huyện và xã anh Triệu Kim Vày ở thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc đã triển khai mô hình nuôi dúi, đồng thời đăng ký với cơ quan chức năng để nuôi loài động vật hoang dã này theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện mô hình hiệu quả, anh Vày dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo, internet về cách chăm sóc loài dúi này.
Đến nay, gia đình anh đã có 3 trang trại nuôi dúi giống và thương phẩm, duy trì số lượng thường xuyên hơn 4 trăm con để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện.
Không dừng lại ở đó, đầu năm nay, anh Vày đã đứng ra thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất chăn nuôi dúi với 5 thành viên tham gia. Trong đó, anh chủ động cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc và lo đầu ra cho sản phẩm của các hộ liên kết.
Anh Triệu Kim Vày cho biết, con dúi có sức đề kháng tốt, thức ăn chủ yếu là tre, nứa, đầu ra ổn định, với giá bán 6 trăm nghìn đồng/kg mỗi năm cho gia đình tôi thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Thời gian tới, tôi đang tiếp tục nhập thêm một số giống dúi mới về nuôi thử nghiệm để mở rộng mô hình.
Mô hình nuôi dúi của Anh Triệu Kim Vày ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho thu nhập từ 2 trăm đến 3 trăm triệu đồng/năm. |
Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm Quảng Ninh có hơn 90% hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi và toàn tỉnh có 37 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc, gần 6 nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, hàng chục nghìn lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở. Quảng Ninh xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân số, điều hành sản xuất thông qua những thiết bị điện tử, online hiện đại.
Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua làm giàu và giúp nhau giảm nghèo bền vững; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.Đặc biệt phong trào đã tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Chẽ Khúc Thanh Nghị
Nông dân Quảng Ninh ngày nay đã tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, hàm lượng khoa học công nghệ cao, những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh, sạch, làm chủ mô hình nông nghiệp đô thị, diện tích canh tác nhỏ, song đạt sản lượng và giá trị lớn.
Nông dân Quảng Ninh năng động kết hợp nông nghiệp và du lịch, biến mô hình ruộng vườn ao đầm của mình thành nơi trải nghiệm sinh thái, điểm đến của đông đảo du khách, đẩy giá trị kinh tế của mô hình sản xuất lên cao.
Mô hình nuôi gà của Hợp tác xã Tuyền Huyền ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà |
Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp nhau sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn, tích cực giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Từ các mô hình sản xuất, kinh doanh của mình, các hộ trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, “nông dân dạy nông dân”, dẫn dắt các hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt lạc hậu, kém hiệu quả sang phương thức chăn nuôi, trồng trọt tiến bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật.
Mô hình trồng dưa hữu cơ ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà. |
Khu vực nông thôn của tỉnh vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển với những tiềm năng, lợi thế về đất đai, ngư trường rộng lớn. Với những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình sản xuất, kinh doanh cùng sự sáng tạo, cần cù, chịu khó, trong thời gian tới, nông dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục thành công trên con đường đã chọn, trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân chuyên nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh