Quảng Ninh nỗ lực chuyển đổi số toàn diện

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số và cơ quan nhà nước "không giấy tờ".
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh.
Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng được hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin vững chắc, huy động được sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các sở, ngành, địa phương cũng như người dân toàn tỉnh.

Đây chính là nền tảng quan trọng đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước.

Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng Quảng Ninh vẫn luôn nhận diện những điểm nghẽn để gỡ bỏ, đồng thời khai thác những dư địa cải cách với phương châm xuyên suốt "cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên", "lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư làm thước đo hiệu quả công việc".

Vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Tại Quảng Ninh, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đang được triển khai trong nhiều lĩnh vực. Đây là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng.

Anh Nguyễn Văn Yên ở phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, đến thời hạn phải cấp đổi giấy phép lái xe, trước đây phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để làm trực tiếp, thì giờ đây anh chỉ cần ở tại địa phương nộp thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe bằng hình thức trực tuyến toàn trình.

Anh Yên chia sẻ: "Toàn bộ quy trình cấp đổi, đồng bộ các loại giấy tờ có liên quan, nộp phí, lệ phí, tôi đều thực hiện trên môi trường mạng mà không cần đến trung tâm hành chính công để làm việc trực tiếp. Tôi thấy thật sự tiện lợi, tiết kiệm được thời gian, chi phí và không cần phải đi lại, chờ đợi nhiều lần".

Bà Lê Thị Hiền ở phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên cho biết: "Chưa đầy 30 phút được hướng dẫn, thao tác trên điện thoại, tôi đã hoàn thành các thủ tục xin cấp hộ chiếu phổ thông cho bản thân ngay tại nhà. Đây là lần đầu tôi nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến và cảm thấy rất tiện lợi. Trước đây, để được cấp hộ chiếu, người dân phải lên tận cơ quan xuất nhập cảnh của tỉnh để hoàn thành tờ khai, chụp ảnh. Nhưng nay, chúng tôi có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó, nhận hộ chiếu tại nhà qua đường bưu chính".

Có thể thấy, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương hoàn thành kết nối cổng dịch vụ công của tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia và sáu hệ thống giải quyết thủ tục hành chính khác của các bộ, ngành; hoàn thành kết nối hệ thống chính quyền điện tử tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối chính thức với hơn 10 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng thuộc các lĩnh vực trọng điểm, như doanh nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng, tư pháp, bảo hiểm, bưu chính viễn thông...

Việc phát triển hạ tầng số đó đã giúp Quảng Ninh có nhiều bước tiến mới trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khi một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại tỉnh sẽ được hỗ trợ về thủ tục hành chính như rút gọn thời gian, hồ sơ điện tử thay vì hồ sơ bản cứng gây mất thời gian di chuyển đi nộp. Hơn nữa, cơ quan chính quyền của tỉnh luôn hỗ trợ doanh nghiệp 24/24 giờ bất kể là ngày nghỉ hay không.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Quảng Ninh vừa tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai dự án là Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại Khu công nghiệp Sông Khoai, với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD. Điều đặc biệt là cả hai dự án đều được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, rút ngắn 14 ngày so với quy định.

Các thủ tục hành chính của tỉnh đều được cắt giảm 40 đến 50% về thời gian so với quy định của Trung ương. Với dịch vụ công trực tuyến toàn trình, thời gian giải quyết các thủ tục còn được rút ngắn hơn nữa, nếu các bước thẩm định và phê duyệt diễn ra nhanh chóng.

Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức xử lý hồ sơ thủ tục dịch vụ công toàn trình, toàn bộ quy trình giải quyết đều công khai, minh bạch, có sự giám sát, đánh giá nhanh, chậm đối với từng bước, rõ người, rõ việc, thể hiện sự chuyên nghiệp trong hoạt động của chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hướng đến chính quyền số toàn diện

Hiện tại, Quảng Ninh đang đứng thứ 11 trong toàn quốc về tổng điểm xây dựng chính quyền số, các hệ thống thông tin của tỉnh được kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất.

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cấp và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi thủy sản; số hóa cơ sở dữ liệu ba loại rừng; truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP; đồng thời, thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt; nộp thuế điện tử qua hệ thống điện tử (etax)...

Với mục tiêu trở thành tỉnh chuyển đổi số toàn diện, điển hình, Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời tiên phong tổ chức triển khai chuyển đổi số dữ liệu đất đai.

Sáu tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Quảng Ninh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh đã cung cấp 1.231 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.280 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó, có 1.017 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81%)…

Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và đạt được những kết quả ấn tượng. Chuyển đổi số cũng mang lại những thành quả nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời, tạo cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, bảo đảm gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, qua đó, thực hiện thành công mục tiêu của tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.