Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có trên 1.600 hộ vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số vốn trên 112 tỷ đồng cho các dự án chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, làng nghề và các loại hình khác.
Hiệu quả từ Qũy hỗ trợ
Gia đình ông Nguyễn Văn Khang, ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du là một trong những hộ có thu nhập ổn định nhờ vay vốn từ Qũy hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất.
Ông Khang cho biết, trước đây, gia đình ông canh tác hơn 8 sào rau, nhưng do đầu ra không ổn định, cộng với việc không có vốn để sản xuất nên gia đình ông chỉ canh tác có 4 sào, diện tích còn lại gia đình ông phải bỏ hoang. Năm 2019, sau khi được Hội Nông dân xã Việt Đoàn tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông đã đầu tư mua máy móc, cải tạo lại 8 sào ruộng để trồng những loại rau, củ, quả ngắn ngày.
Để tăng năng suất, chất lượng và tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản, gia đình ông Khang đã tham gia Hợp tác xã sản xuất rau củ nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du và trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông lãi trên 50 triệu đồng từ việc trồng rau, củ, quả.
Tuy số tiền vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân không nhiều nhưng cũng đã giúp gia đình anh Nguyễn Văn Đỉnh, ở xã Long Châu, huyện Yên Phong có thêm kinh phí để cải tạo, mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
Hội viên Hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chăm sóc rau. |
Anh Nguyễn Văn Đỉnh chia sẻ, trước đây, do làm ăn nhiều lần thất bại nên anh chỉ phát triển mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) với quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao. Năm 2019, sau khi được Hội Nông dân xã Long Châu tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, cộng với số tiền vay mượn, anh đã mở rộng nuôi vịt, dê kết hợp với thủy sản. Sản phẩm làm ra phù hợp với nhu cầu thị trường nên anh đã mở rộng quy mô rất nhanh.
Hiện tại, mỗi năm anh Đỉnh xuất bán khoảng 10.000 con vịt và mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt dê thương phẩm, cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Đến nay, gia đình anh Đỉnh đã trả hết nợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp các hội viên khác có điều kiện được vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Ngoài mô hình của ông Khang, anh Đỉnh, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả từ việc sử dụng nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân, điển hình như: mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao ở xã Minh Tân (huyện Lương Tài); mô hình sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả ở xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du); phát triển nghề mộc ở xã Trung Nghĩa (huyện Yên Phong), phường Võ Cường, Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh); phát triển mô hình vườn-ao-chuồng, nuôi trồng thủy sản ở huyện Thuận Thành, Gia Bình; phát triển nghề may công nghiệp ở thành phố Từ Sơn…
Tiếp sức cho nông dân làm giàu
Ông Trần Đăng Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định, Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp các hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ. Từ nguồn quỹ này, các hội viên nông đã xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguồn vốn này vẫn còn hạn chế, chỉ đáp ứng được phần nhỏ trong tổng nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân.
Hợp tác xã sản xuất rau củ nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du là một trong những đơn vị được tiếp cận sớm nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh. Nguồn vốn này đã giúp các thành viên trong Hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn và trở thành hợp tác xã điển hình trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Hội viên Hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh chăn nuôi bò sữa. |
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau củ nông sản an toàn thôn Liên Ấp cho biết, năm 2018, hợp tác xã được thành lập với 134 hộ tham gia trên diện tích gần 40ha. Tuy nhiên, nguồn thu nhập chỉ xoay quanh việc trồng rau nên các thành viên trong hợp tác xã đa phần đều thiếu vốn sản xuất.
Trước khó khăn đó, Hội Nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho các thành viên trong hợp tác xã vay số tiền trên 1 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị máy móc mở rộng trồng rau VietGAP và chăn nuôi bò sữa. Đến nay, doanh thu của Hợp tác xã Sản xuất rau củ nông sản an toàn thôn Liên Ấp đạt từ 6-7 tỷ đồng/năm.
“Quỹ hỗ trợ nông dân có thời hạn vay ngắn, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng sản xuất, cũng như đầu tư nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của các thành viên trong hợp tác xã. Do đó, hợp tác xã mong muốn được kéo dài thời hạn vay, cũng như tiếp cận thêm các nguồn vốn ưu đãi khác”, ông Hiệp nói.
Theo ông Trần Đăng Sâm, để quỹ hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách hỗ trợ có liên quan đến quyền lợi của người dân, từ đó nông dân tiếp cận và hưởng thụ từ chính sách. Đồng thời, Hội cũng sẽ lựa chọn những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn và có khả năng nhân rộng.
Mục tiêu của đề án nhằm giúp nông dân tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, thêm nguồn vốn để đầu tư, mở rộng và áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh bảo đảm nguồn ngân sách cấp tỉnh cho quỹ hỗ trợ nông dân từ 10 tỷ đồng trở lên/năm và từ 15 tỷ đồng trở lên/năm giai đoạn 2026-2030; cấp từ 300 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm và ngân sách cấp xã cấp từ 10 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm...