Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xem xét giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh khi thu hồi đất

NDO - Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, dự án giải phóng mặt bằng không chỉ thực hiện như một phương án kinh tế, mà cần xem xét giải quyết những vấn đề xã hội sẽ phát sinh khi thu hồi đất để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Thay đổi cách tiếp cận

Góp ý vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên thảo luận tại Tổ 7 ngày 3/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để giải quyết các vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, nhất thiết phải cần 1 cách tiếp cận đúng.

Nhấn mạnh đất đai là hàng hóa rất đặc biệt và có nhiều yếu tố để không nên tiếp cận như 1 loại hàng hóa thông thường, Bộ trưởng nêu thực trạng hiện nay trong đền bù giải phóng mặt bằng, giá đất không theo thị trường mà theo ý chí.

“Chúng ta rất khó để hình dung được lô đất nằm ở góc này sẽ có giá bán khác như thế nào nếu nằm ở góc khác (như ở ngã ba đường giao thông), rồi người mua cho sản xuất, kinh doanh cũng có niềm tin về vị trí. Những yếu tố ảnh hưởng quyết định đến giá đất như vậy là khá mơ hồ, cho thấy đây không phải là 1 hàng hóa thông thường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan - đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nói.

Do đó, Bộ trưởng cho rằng, nếu các địa phương vẫn đền bù như đi mua đất thì vẫn chưa đạt yêu cầu về giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xem xét giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh khi thu hồi đất ảnh 1

Đại biểu Lê Minh Hoan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng nêu câu hỏi tại sao người dân sẵn sàng hiến đất trong chương trình xây dựng nông thôn mới cả nghìn mét vuông mà không có một số ý kiến, mà có trường hợp chỉ đền bù vài mét vuông vẫn khiến lãnh đạo địa phương trong 5, 10 năm giải quyết chưa xong?

“Vấn đề ở đây là cách tiếp cận, nếu chúng ta còn tiếp cận như đi mua đất thì sẽ không thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cách tiếp cận đúng ở đây là thay vì coi đây là dự án kinh tế thì cần xác định đền bù giải phóng mặt bằng là một dự án tổng thể về kinh tế-xã hội.

Thay vì coi đây là dự án kinh tế thì cần xác định đền bù giải phóng mặt bằng là 1 dự án tổng thể về kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ trưởng chỉ rõ, hiện nay, Ban quản lý dự án vẫn được giao đi thực hiện đền bù cho người dân ở vùng dự án trong vai “người đi mua đất”, chỉ tiến hành đo đạc diện tích đất thu hồi, kiểm kê nhà cửa, hoa màu, đối chiếu với đơn giá, định mức được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt mà chưa hiểu được nhu cầu, tình cảm, gia cảnh của bà con.

“Nhà cũng miếng đất đó nhưng người già, người trẻ, cán bộ, công chức khác, đông con khác, ít con khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị, dự án giải phóng mặt bằng không chỉ thực hiện như một phương án kinh tế, cần xem xét giải quyết những vấn đề xã hội sẽ phát sinh khi thu hồi một khu vực đất để phục vụ cho dự án.

Lấy người dân làm trung tâm

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, ngoài đánh giá tác động môi trường khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng vẫn chưa có đánh giá tác động xã hội đầy đủ với những dự án này.

Bộ trưởng đề nghị cần chuyển từ tư duy xem người dân trong diện thu hồi đất từ một đối tượng thu hồi đất trở thành một đối tác để cùng tạo ra không gian phát triển cho doanh nghiệp, cho đất nước.

“Khi tư duy thay đổi, chúng ta sẽ chuyển toàn bộ cách vận hành một dự án đền bù giải phóng mặt bằng, qua đó giảm thiểu rủi ro do sự phản ứng của người dân”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Bộ trưởng cũng nêu thực tế triển khai một số dự án thủy lợi đã có hiện tượng bà con bỏ khu tái định cư mới để trở về nhà cũ, vì nhà mới không đúng với ngôi nhà của bà con, không gần gũi với phong tục, tập quán, chưa kể không có đất sản xuất.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thay đổi tư duy và trao quyền cho bà con sử dụng kinh phí tái định cư đó để tự xây dựng nhà theo đúng nhà của người Tày, người Mường, xây dựng một cộng đồng dân cư có đầy đủ những thiết chế của đồng bào dân tộc mà gần địa điểm nơi ở cũ.

Khi xây dựng một đạo luật, việc hiểu được cảm xúc của xã hội, bức xúc của người dân rất quan trọng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

“Tôi cho rằng không phải vấn đề giá cả sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề đang đặt ra trong công tác này. Khi xây dựng một đạo luật, việc hiểu được cảm xúc của xã hội, bức xúc của người dân rất quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, phải lấy người dân, những người bị thu hồi đất làm trung tâm để tính toán sao cho hài hòa, phải đối thoại với người dân bị thu hồi đất để thấu cảm khó khăn khi chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi nơi sinh sống của mình.

Chỉ rõ đây là vấn đề rất khó để quy định trong luật pháp vì “nhất hộ hôn, nhì điền thổ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh điều quan trọng hơn là cách tư duy, tiếp cận, cách đặt vấn đề cần phải đổi mới để từ đó tạo chuyển biến trong các quy định của luật pháp.