Sự trở lại của phim cổ trang, lịch sử
Năm nay, hàng loạt phim có đề tài lịch sử, cổ trang được các nhà sản xuất giới thiệu tới khán giả. Một trong số đó là “Hồng Hà nữ sĩ”, của đạo diễn Nguyễn Đức Việt, tác giả kịch bản là nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, có sự tham gia của các diễn viên Anh Đào, Văn Toàn, Vĩnh Xương, các NSND Trung Anh, Lê Khanh… Phim kể về cuộc đời của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm qua những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời, và sự ra đời của bản dịch “Chinh phụ ngâm” nổi tiếng, do bà dịch tiếng Nôm từ bản tiếng Hán của danh sĩ Đặng Trần Côn.
Phim sử dụng bối cảnh ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Thái Bình, với một số bối cảnh được phục dựng hoàn toàn để mô tả được chân thực nhất khung cảnh sinh hoạt của người dân quê và kinh đô Thăng Long vào thế kỷ 18.
Phục trang thuần Việt trong phim "Hồng Hà nữ sĩ". (Ảnh: Đoàn làm phim) |
Phần phục trang cũng được các họa sĩ nghiên cứu kỹ và đưa ra những thiết kế phù hợp nhất, vừa đẹp trang nhã nhưng cũng phải giữ tinh thần truyền thống và toát lên cốt cách của nhân vật.
Một bộ phim vừa ra mắt, và đang nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả và giới chuyên môn về bối cảnh, phục trang, là “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ. Đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại với dòng phim cổ trang sau gần 10 năm. Dựa trên tiểu thuyết “Hồ oán hận” của nhà văn Hồng Thái, phim lấy bối cảnh một vùng quê Bắc Bộ thời phong kiến nhà Nguyễn, xoay quanh câu chuyện của Linh, cô gái nhà nghèo phải chấp nhận làm vợ ba cho ông quan để sinh con cho gia đình ông ta.
Bối cảnh phim "Người vợ cuối cùng". |
Phim có sự tham gia của các diễn viên kỳ cựu của sân khấu miền bắc như NSƯT Quang Thắng, NSƯT Kim Oanh, cùng lứa diễn viên trẻ triển vọng như Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn...
Phim được đầu tư công phu về bối cảnh, phục trang, với cảnh sắc thiên nhiên vùng hồ Ba Bể (Bắc Kạn) rộng lớn mênh mang, đối lập với thân phận nhỏ bé của những người dân có địa vị thấp kém, ở tầng lớp dưới.
Đạo diễn Victor Vũ rất công phu, cầu kỳ khi lựa chọn và sắp xếp phục trang, các chi tiết như nếp nhà, đồ vật bài trí trong nhà, khung cảnh chợ quê vùng nông thôn Bắc Bộ, mâm cỗ… mang đậm dấu ấn văn hóa người Việt ở miền bắc những thế kỷ trước.
Trang phục của ba người vợ trong phim. |
Thậm chí, ở từng bộ trang phục của ba bà vợ, từ chất liệu, phong cách, phụ kiện đi kèm, cách mặc… cũng mang những ẩn ý mô tả xuất thân, tính cách và vị trí của từng người trong gia đình. Đây là điểm cộng mà không phải đạo diễn nào cũng lưu tâm nghiên cứu.
Nhắc đến phim cổ trang thời gian này, không thể không nói đến “Tết ở làng địa ngục”, bộ phim kinh dị cổ trang do kênh truyền hình K+ sản xuất, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thảo Trang. Phim được phát sóng trên kênh K+ và nền tảng Netflix. Chỉ mới sau hai tập đầu, “Tết ở làng địa ngục” đã lọt top phim được xem nhiều nhất trên các nền tảng phát sóng.
Phim lấy bối cảnh ngôi làng ở một vùng núi hẻo lánh ở miền núi phía bắc, nơi hậu duệ của băng đảng cướp khét tiếng năm xưa cư ngụ, với những hiện tượng kỳ bí, nghiệp báo mà người dân sống ở đây nơm nớp lo sợ sẽ giáng xuống đầu bởi tội ác của cha ông khi xưa.
Tạo hình và thiết kế mỹ thuật phim "Tết ở làng địa ngục". |
Phim được quay tại làng Sảo Há, (Vần Chải, Đồng Văn, Hà Giang), với khung cảnh nguyên sơ, lọt thỏm giữa vùng núi rừng cây cối rậm rì, sương bảng lảng, mang không khí u ám huyền hoặc, theo đoàn làm phim là giống tới 99% mô tả trong tác phẩm gốc của Thảo Trang.
Tạo hình nhân vật lão ăn mày do nghệ sĩ Phú Đôn đóng. |
Phim cũng tạo điểm nhấn với phần trang phục, được coi là thuần Việt hoàn toàn, từ khăn vấn tóc, nón, váy đụp, quần áo nam giới… mặc dù cũng có những sáng tạo nhất định do không phụ thuộc vào một dữ kiện lịch sử cụ thể nào.
Làm phim lịch sử khó trăm bề
Dòng phim về đề tài lịch sử, cổ trang có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khán giả, nhưng các nhà làm phim lại khá e ngại do đầu tư cao, lại phải kỹ lưỡng, chỉn chu, và dễ vấp phải sự soi xét, đánh giá của khán giả từ từng chi tiết nhỏ trở đi.
Trước đây, nhiều phim từng rất thành công với đề tài cổ trang, lịch sử, như “Đêm hội Long Trì”, “Long thành cầm giả ca”, “Lửa cháy thành Đại La”, ‘Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Thiên mệnh anh hùng”… Phim truyền hình có loạt phim được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tạo được ấn tượng như “Khát vọng Thăng Long”, “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”… Các phim truyền hình lấy đề tài cổ trang, lịch sử từng thành công và được khán giả yêu thích không nhiều, tiêu biểu có thể kể đến “Mê thảo, thời vang bóng”, “Ngọn nến hoàng cung”, “Lều chõng”…
Tạo hình nhân vật cẩu thả trong phim "Huyền sử vua Đinh", bị khán giả phản ứng. |
Nhưng cũng có những bộ phim “ngã ngựa”, do không tìm hiểu kỹ tư liệu, chọn bối cảnh ẩu, hoặc thực hiện ở nước ngoài không phù hợp với bối cảnh lịch sử. “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” với bài học thuê đạo diễn Trung Quốc và quay tại trường quay Trung Quốc, hay “Huyền sử vua Đinh” với bài học cẩu thả trong hóa trang diễn viên và lựa chọn bối cảnh là những thí dụ tiêu biểu.
Khác với các phim có đề tài hiện đại, phim lịch sử, cổ trang phải đầu tư rất nhiều. Không chỉ lựa chọn câu chuyện hấp dẫn, xây dựng kịch bản sao cho hay, thu hút được khán giả, mà còn phải đúng lịch sử, khớp với những diễn biến văn hóa, xã hội thời kỳ đó. Không chỉ phải chọn diễn viên sao cho đẹp, hợp vai, mà còn phải có chất “cổ” chứ đẹp mà hiện đại cũng không được.
Nếu như phim hiện đại có thể chọn bối cảnh, “mượn” bối cảnh ở những nơi phù hợp, thì phim cổ trang, lịch sử gần như phải xây dựng lại bối cảnh hoàn toàn, bởi những địa điểm mang tính chất cổ không còn nhiều, nếu còn cũng không dễ mượn để quay, hoặc không dễ bài trí theo mong muốn.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ, để thực hiện bối cảnh cho phim cổ trang vô cùng khó, nhất là trong hoàn cảnh đời sống hiện đại len lỏi vào từng ngõ ngách của các làng quê. Để không vướng cột điện, nhà bê-tông, đường xi-măng, ô-tô, xe máy, hay dây điện… vào hình ảnh là một kỳ công.
Ngay cả Văn Miếu, một di tích còn giữ được nhiều nét cổ kính và phù hợp với những cảnh quay lịch sử, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Văn Miếu bây giờ cũng đã có nhiều thay đổi so với thời xưa, cho nên không sử dụng làm bối cảnh được. “Muốn dựng một bối cảnh phim, chúng tôi phải đi khắp cả nước để chọn lựa. Để xây dựng một bối cảnh Thăng Long hay vùng nông thôn thế kỷ 18, chúng tôi phải phục dựng hoàn toàn” - bà Hồng Ngát nói.
Nữ biên kịch cao niên chia sẻ, trong quá trình tìm bối cảnh, đoàn làm phim tìm được hai địa điểm rất phù hợp ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Ninh Bình, còn giữ lại được gần như nguyên vẹn vẻ cổ xưa, lại có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Bối cảnh nhà quan quay ở Tiên Du, Bắc Ninh, bối cảnh quê hương Đoàn Thị Điểm quay ở Hưng Yên. Còn ở Thái Bình, đoàn làm phim dựng một trường quay với nhà cũ của bà, căn nhà ba gian hai chái, ở Vũ Thư. Bối cảnh này đã từng được một đoàn làm phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Du sử dụng để dựng căn nhà của đại thi hào.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho rằng mảnh đất này có duyên với các bộ phim làm về các danh nhân, cho nên đã quyết định giữ lại làm trường quay. Khu vực này sẽ được đầu tư, chỉnh trang, được trồng hoa sen, hoa súng ở ao nước mà nhân vật bà Đoàn Thị Điểm vẫn ra giặt giũ…, để đưa nơi này trở thành một điểm du lịch.
Sự trở lại của phim cổ trang, lịch sử là tín hiệu vui đối với điện ảnh Việt Nam trong năm nay, không chỉ bởi các thể loại đề tài đã được mở rộng phong phú hơn, mà còn bởi các nhà làm phim, nhà sản xuất đã có cái nhìn và cách làm đúng đắn, nghiêm túc và chỉn chu về đề tài vốn rất khó nhằn này.