Gian nan làm phim lịch sử

Huyền sử vua Đinh vừa chính thức ngậm ngùi rời rạp, sau 10 ngày bám trụ lay lắt với doanh thu phòng vé chỉ hơn 40 triệu đồng. Một con số quá thất vọng, nếu đặt bên cạnh kinh phí sản xuất vài chục tỷ đồng và bao tâm nguyện chuyển tải thông điệp lịch sử mà các nhà làm phim trẻ gửi gắm.
0:00 / 0:00
0:00
Phim Khát vọng Thăng Long.
Phim Khát vọng Thăng Long.

Lượng và chất đều khiêm tốn

Mạnh dạn đi vào khai thác chiến công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất bờ cõi và trở thành vị Hoàng đế đầu tiên sau đêm dài Bắc thuộc, Huyền sử vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ nhận lại rất nhiều ý kiến phản hồi tiêu cực ngay từ những suất chiếu đầu tiên. Hời hợt, sơ sài, cẩu thả từ phục trang, hóa trang tới bối cảnh, diễn biến tâm lý nhân vật, bộ phim là chuỗi minh họa giản đơn và vụng về những trận đánh đã được ghi chép trong sử sách, việc lặp đi lặp lại phần đồ họa giới thiệu trước mỗi trận gây cảm giác nhàm chán, lê thê dù thời lượng phim không dài, chỉ khoảng 80 phút. Trong một nền điện ảnh luôn thiếu vắng những bộ phim lịch sử, sự dũng cảm lựa chọn và dấn thân vào một đề tài cực khó ngay trong tác phẩm đầu tay của một đạo diễn trẻ không hề khiến khán giả cảm phục mà chỉ mang lại xúc cảm ngao ngán, bực bội. Có tờ báo thậm chí đã nặng nề coi đây là "sự hành xử thiếu tôn trọng lịch sử". Từ bộ phim Việt mới nhất được dán nhãn "thảm họa" này, giấc mơ về một dòng phim lịch sử chất lượng, để "dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" lại khiến bầu không khí dư luận một lần nữa nóng lên.

Một đất nước kinh qua bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, ngoan cường chiến đấu và chiến thắng lẫy lừng rất nhiều kẻ thù hùng mạnh mà số lượng phim lịch sử khai thác giai đoạn cổ đại và trung đại - cách chúng ta khoảng một thế kỷ về trước khá ít ỏi, phần đa trong số đó có chất lượng èo uột là thực tế đáng buồn từng được mổ xẻ suốt nhiều năm qua.

Năm 2023, điện ảnh cách mạng Việt Nam sẽ vui mừng đón tuổi 70. Nhưng với nhiều thế hệ khán giả, hai tập phim nhựa Đêm hội Long Trì-Kiếp phù du cộng thêm một số phim dã sử của thời kỳ phim thị trường đầu thập kỷ 90 (như Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại, Thủ lĩnh áo nâu...) là những tác phẩm hiếm hoi lưu lại được lại trong trí nhớ.

Những năm đầu thế kỷ XXI là thời hoàng kim của Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh, khi thương hiệu TFS gắn liền với hàng loạt phim lịch sử nhiều tập như Trùng Quang tâm sử, Ngọn nến hoàng cung, Lục Vân Tiên, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam... và góp phần nào đó hâm nóng sự quan tâm tới mảng phim lịch sử của khán giả nước nhà.

Phim lịch sử chỉ được quan tâm đặc biệt khi cuộc thi sáng tác kịch bản chào mừng Đại lễ Nghìn năm Thăng Long được tổ chức. Hàng chục dự án phim, cả điện ảnh và truyền hình được đồng loạt triển khai nhưng kết quả là ngày Thủ đô tròn thiên niên kỷ, một tác phẩm chất lượng về vị vua đã có công dời đô vẫn chưa thể công chiếu. Phim truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long không thể ra mắt vì bị gọi là "phim Tàu nói tiếng Việt". Khát vọng Thăng Long-Long thành cầm giả ca-Huyền sử Thiên đô đều công chiếu chậm ngày và chỉ ở mức chất lượng trung bình khá, dù đều được thực hiện bởi những đạo diễn tên tuổi.

Hơn chục năm sau đó, số phim có yếu tố lịch sử ra rạp và phủ sóng truyền hình cũng rất khiêm tốn. Thu hút sự quan tâm của dư luận chỉ có vài cái tên Dòng máu anh hùng, Phượng khấu Thiên mệnh anh hùng... Có vẻ như tới tận bây giờ, địa hạt này vẫn là thách thức lớn nhất với nghệ sĩ làm phim Việt.

Gian nan làm phim lịch sử ảnh 1

Cảnh trong phim Huyền sử vua Đinh.

Giới hạn nào cho biên độ sáng tạo?

Nhiều đạo diễn trẻ đã từng chia sẻ giấc mơ làm phim về những trang vàng sử Việt, bởi yếu tố mới lạ, hấp dẫn, đậm chất dân tộc nhưng cũng ôm chứa những giá trị nhân văn mang tính toàn cầu thấm đẫm trong từng câu chuyện, từng trận đánh, từng bậc đế vương và từng vị tướng tài, chỉ cần đưa lên màn ảnh là chắc chắn sẽ có tác phẩm hay. Như lời khẳng định của biên kịch Trần Minh (bút danh Bình Bồng Bột) trong Hội thảo khoa học quốc tế có chủ đề Di sản lịch sử văn hóa Việt Nam và cải biên điện ảnh, "Lịch sử Việt Nam được viết nên bởi máu của tiền nhân. Nói đến Việt Nam, cảm thức đầu tiên bật lên là chiến tranh. Những cuộc lật đổ triều đại, những cuộc chiến đấu giữ nước, những cuộc chiến để mở mang bờ cõi là kho tàng vô tận cho phim ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung. Trên thế giới, có lẽ hiếm có quốc gia nào có kinh nghiệm chiến tranh phong phú như Việt Nam". Đó là mỏ vàng đề tài không bao giờ vơi cạn trữ lượng.

Nhưng với người làm phim, chọn khai thác đề tài lịch sử không khác gì húc đầu vào đá. "Tôi luôn bối rối khi có ai đó hỏi, sao không làm phim về lịch sử? Bối rối vì nhiều lẽ, đầu tiên là... tiền đâu. Phim về lịch sử, đặc biệt là vào thời phong kiến đòi hỏi một ngân sách khổng lồ cho nghiên cứu, trang phục, bối cảnh" - biên kịch Bình Bồng Bột chia sẻ. Có thể bổ sung muôn vàn lý do, trường quay có cũng như không, kho phục trang đạo cụ của hãng phim lỏng chỏng vài thứ đồ không thể "tái sử dụng", sử liệu về trang phục các triều đại nghèo nàn, trình độ kỹ xảo chưa cao...

Nhưng có một lý do mà ai cũng hiểu, nhưng rất ngại đề cập tới: Tái hiện những sự kiện, những số phận con người đã trở thành bài học lịch sử nằm lòng của bất cứ ai thường rất dễ gây nên những phản ứng trái ngược, những luồng dư luận trái chiều. Đạo diễn, NSƯT Lưu Trọng Ninh từng ví von đầy hình ảnh sau khi hoàn thành Khát vọng Thăng Long, "bước vào phim coi như đã bước lên đoạn đầu đài, làm xong thì chuẩn bị hứng hàng nghìn mũi tên bắn vào mình". Cũng vì lý do đó, tuy tiêu chí "khuyến khích mảng đề tài lịch sử" thường được nhấn mạnh trong các trại sáng tác kịch bản được tổ chức thường niên nhưng số lượng phim "dám" đi vào lãnh địa vẫn được coi là gai góc này rất lèo tèo. Giới hạn nào cho biên độ sáng tạo nghệ thuật, trong những bộ phim khai thác yếu tố lịch sử là điều mà người làm phim luôn trăn trở.

Được gọi chung là phim lịch sử nhưng mỗi nghệ sĩ đều có các phân loại khác nhau. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì tách bạch ba nhánh: chính sử - nửa lịch sử và nửa hư cấu - dã sử. Biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh thì phân phim lịch sử thành ba đặc tính: có tính chính luận, giáo khoa - có tính thương mại - hoàn toàn nghệ thuật. Mức độ tôn trọng chính sử đến đâu, được phép hư cấu, sáng tạo đến mức độ nào là tùy thuộc vào cái khuôn mà nghệ sĩ quyết định đặt tác phẩm vào đó. Phân theo kiểu gì thì loại thứ ba luôn thu hút các nghệ sĩ điện ảnh nhất, vì biên độ sáng tạo mà nó mở ra có vẻ khôn cùng. Nhưng bay bổng, hư cấu đến đâu để bảo đảm tính chân xác lịch sử vẫn là lằn ranh đặc biệt mong manh, khó xác định.

Với đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng, "dã sử hay cổ trang gì thì cũng phải bám chắc vào nền lịch sử. Phim thì phải đúng đã rồi mới đẹp. Dã sử, cổ trang chỉ là cách gọi của một thủ pháp tạo vẻ đẹp cho nhân vật cùng câu chuyện phim, có thể đẹp hơn so với tư liệu hiện thực thôi chứ không có nghĩa là làm sai. Trong quá trình gạn lọc chất liệu làm phim, nguyên tắc mà tôi thực hiện nghiêm ngặt chính là bảo đảm tính chính xác, nguyên vẹn của những dấu mốc lịch sử đối với tuyến nhân vật chính. Khoảng giữa các dấu mốc là mảnh đất màu mỡ để phát triển làm mềm mạch phim. Trên cơ sở kiến thức chuyên sâu của nguồn sử liệu được tra chéo, kiểm chứng tính xác thực từ nhiều nguồn thì có thể sáng tạo, hư cấu từ nền này trên cơ sở hiện thực lịch sử. Những giai thoại, những câu chuyện mang tính huyền sử-hoang sử phải đặc biệt cân nhắc khi đưa vào phim bởi có thể mang lại những hiệu ứng tiêu cực ngoài mong muốn".

Biên kịch Bình Bồng Bột có một góc nhìn thú vị, về "thánh nhân và cái nhân của thánh".

"Chúng ta luôn đặt tiền nhân lên bệ thờ và từ ấy có luôn một định nghĩa, một khái niệm, một hình ảnh nhất thành bất biến trong đầu mình về bậc tiền nhân ấy. Họ đều là những thánh nhân có công với dân tộc. Nhưng ta chỉ nhìn vào chữ "thánh" mà quên mất chữ "nhân"... Để hóa Thánh, một nhân vật phải trải qua tất cả trầm luân của một kiếp người. Để khi biết buông bỏ, biết hy sinh, biết vị chúng sinh, họ mới trở thành vị Thánh". Nhưng người làm phim và cả công chúng đã mở lòng đón nhận góc con người của những bậc thánh ấy chưa, "bởi vì ngay trong đầu ta đã tự vẽ nên những hình ảnh nhất thành bất biến cho các vị tiền nhân. Ai tả khác đi thì đều là vô minh, đều không hiểu biết, đều là kẻ thù lịch sử". Phim ảnh chỉ có thể hấp dẫn khán giả, nếu nhìn những nhân vật lịch sử dưới giác độ đó, đa chiều, soi chiếu dưới nhiều lăng kính. Nhưng sự tự kiểm duyệt của chính nghệ sĩ, sự mặc định hình ảnh bất biến trong đón nhận của người xem đã trở thành một rào cản khiến phim lịch sử đã khó làm nhưng khi làm được thì lại khó đến với đông đảo công chúng.