Đầu tư bài bản để phim lịch sử trở nên hấp dẫn

Đã có không ít nhà làm phim Việt Nam về đề tài lịch sử, song, nếu kể tên những bộ phim điện ảnh, truyền hình... thật sự hấp dẫn, có tác động sâu sắc tới công chúng thì vẫn rất hiếm hoi. Bên cạnh thách thức về mặt thể loại, còn tồn tại khá nhiều rào cản khiến mảng phim này chưa tạo được dấu ấn và thành tựu rõ nét.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chỉ đạo diễn xuất trong phim "Bình minh phía trước". (Ảnh Đoàn phim cung cấp)
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chỉ đạo diễn xuất trong phim "Bình minh phía trước". (Ảnh Đoàn phim cung cấp)

Lâu nay, phim đề tài lịch sử chủ yếu được Nhà nước đặt hàng với mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng tiến độ và chất lượng phim luôn dấy lên những mối băn khoăn. Theo Văn bản báo cáo của Cục Điện ảnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kinh phí sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018-2021 là gần 115 tỷ đồng (2018), hơn 147 tỷ đồng (2019), hơn 148 tỷ đồng (2020) và hơn 148 tỷ đồng (2021). Thế nhưng, các tác phẩm chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa tương xứng đầu tư, chưa hấp dẫn được khán giả... là hiện trạng tồn tại của phim lịch sử.

Kết quả chưa tương xứng đầu tư

Lý giải nguyên nhân, phần lớn chuyên gia nghiên cứu điện ảnh cho rằng, có rất nhiều lý do. Đầu tiên là thiếu kịch bản hay, tiếp đến là khâu sản xuất chưa bài bản, phát hành chưa linh hoạt. Quan trọng nhất, quy trình chưa đồng bộ, bị tụt hậu so với nhịp phát triển sôi động của nền công nghiệp điện ảnh.

Năm 2010, phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” (đạo diễn Đào Duy Phúc) có kinh phí đầu tư lên tới 57 tỷ đồng nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nhưng phải mất ba năm chờ đợi mới được lên sóng. Năm 2013, phim “Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) dù đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, song lại thất bại về doanh thu, sau một tuần, nhà phát hành phải rút phim khỏi lịch chiếu.

Năm 2014, phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) bị các rạp tư nhân từ chối, nhà quản lý chọn hình thức chiếu miễn phí mà khán giả đến rạp vẫn rất ít ỏi. Trong khi đó, phim lịch sử của nước ngoài hoặc giải trí trong nước thì giới trẻ xếp hàng dài mua vé.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, nhiều chục năm qua, các nhà làm phim thường áp dụng chung công thức cũ kỹ cho nên phim na ná nhau. Dân tộc ta là cái nôi của nhiều đề tài hấp dẫn, vô số câu chuyện lịch sử đầy độc đáo, xúc động, nhân văn..., nhưng khi lên màn ảnh, cách kể của từng phim vẫn thiếu cá tính, hấp dẫn và đổi mới cần thiết để tạo dấu ấn mạnh mẽ. Không ít nhà làm phim đi theo lối mòn, quen với quy trình làm phim theo kế hoạch được đầu tư, khai thác lại những câu chuyện đã được xã hội tiếp nhận. Chưa kể, phim về lịch sử thường được đặt hàng cho nên nhiều bộ phim làm gọi là cho xong, thiếu sự quan tâm, nghiên cứu kỹ và đầy đủ từ lịch sử đến văn hóa, khán giả...

Không chỉ yếu ở khâu kịch bản, sản xuất... mà nhiều vấn đề khác liên quan phim lịch sử đang chưa được giải quyết. Thí dụ, các cuộc họp hội đồng giám định, xét duyệt liên tiếp bị hoãn hoặc hủy kết quả vì... thiếu thành viên.

Thông tin về vấn đề này, đại diện Cục Điện ảnh chia sẻ, kịch bản có dự thảo giám định đã ít ỏi, nhưng nhiều lần, sau thông báo họp hội đồng đều không đủ 2/3 số thành viên theo quy chế tổ chức và hoạt động. Bên cạnh đó, vấn đề phát hành phim lịch sử cùng gặp khó khăn. Bộ phim truyền hình 10 tập “Bình minh phía trước” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khắc họa hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từ nhỏ đến tuổi trưởng thành được giới chuyên môn và khán giả đánh giá là công phu, hấp dẫn, nhưng phim lại phát sóng vào các buổi sáng, thay vì được chiếu vào khung giờ vàng trên kênh VTV1 hoặc VTV3.

Cần đổi mới đồng bộ

Những năm gần đây, tại các kỳ Liên hoan phim, trong khi phim điện ảnh, phim truyền hình... đề tài lịch sử thất bại về giải thưởng thì mảng phim tài liệu lại có nhiều khởi sắc, nhất là thành công của nhiều đạo diễn thế hệ 8x. Bỏ qua thuận lợi về mặt thể loại, có thể nhận thấy quy trình của phim tài liệu lịch sử đã có nhiều tiến bộ, cập nhật để tạo nên sự hấp dẫn. Yếu tố đặc biệt khiến tác phẩm của các đạo diễn trẻ như Tạ Quỳnh Tư, Vũ Minh Phương đoạt những giải thưởng quan trọng và khiến khán giả xúc động đó là cách đổi mới trong lựa chọn, khai thác đề tài và kỹ thuật quay.

Thí dụ, phim tài liệu “Đường về” của Tạ Quỳnh Tư nội dung về hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhưng đạo diễn không kể lại hành trình mà khai thác các mảnh ghép còn ít được biết đến ở bối cảnh hậu chiến: nhầm lẫn trong quá trình tìm mộ và cách ứng xử đầy nhân văn của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cảnh cuối phim, hình ảnh hai người mẹ ở tuổi ngoài tám mươi nắm tay nhau ra thăm mộ, vừa đi vừa thủ thỉ: “Tôi với bà thắp hương cho con mình, thôi thì con chung bà ạ” đã thật sự chạm vào trái tim khán giả.

Một trường hợp khác cũng thuộc thế hệ 8x là Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo (Đà Nẵng) đã cùng ê-kíp sản xuất bộ phim tài liệu “Không chiến Việt Nam-Những cánh én đầu tiên” với nội dung tái hiện trận ra quân đầu tiên của không quân Việt Nam mang về những thắng lợi quan trọng.

Khi học ở Mỹ, anh đã xem rất nhiều phim hay về đề tài lịch sử, cho nên quyết định làm phim với mong muốn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về chiến tranh Việt Nam qua kỹ thuật, góc nhìn hiện đại. Anh xây dựng dự án “Én bạc Studio” với hơn 20 thành viên ban đầu, chung mục đích chinh phục ngành công nghệ VFX (Visual Effect or Effect) còn non trẻ ở Việt Nam. Tại hầu hết các buổi chiếu phim ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, phim đã thu hút đông khán giả, phần lớn là người trẻ tuổi.

Hoạt động xã hội hóa điện ảnh diễn ra đã mang lại nhiều bài học trong việc giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa các nhiệm vụ và bài toán đầu tư, phát hành, sao cho hiệu quả.

Phía sau thành công của những bộ phim đề tài lịch sử của điện ảnh thế giới và khu vực đều là một quy trình chặt chẽ bắt đầu từ khâu thẩm định. Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá mức độ khả thi trên quy mô tổng thể dự án, gồm: Kịch bản, biên kịch, đạo diễn, diễn viên... chứ không chia cắt nhỏ lẻ, rời rạc. Muốn thế, các hội đồng thẩm định cũng cần hội tụ nhân tố đủ năng lực, trách nhiệm trong thẩm định, đổi mới về tư duy và cách thức làm việc hiệu quả. Việc phổ biến phim đề tài lịch sử lên không gian số cũng là một giải pháp cần thiết để khán giả có thêm cơ hội tiếp cận, thụ hưởng, tuy nhiên, cần rất nhiều thận trọng cho quy trình này.

Cách đây chưa lâu, Viện Phim Việt Nam từng đưa chín bộ phim do hãng phim Nhà nước sản xuất với 100% vốn đầu tư từ ngân sách lên kênh YouTube, gồm: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, Nhìn ra biển cả, Mùa ổi, Lương tâm bé bỏng, Đừng đốt, Chung cư, Cuộc đời của Yến, Mặt trận không tiếng súng, Dòng sông hoa trắng và bị các đơn vị có phim được đăng tải phản ứng gay gắt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát, phân loại đồng thời nhấn mạnh, việc khai thác, phổ biến trên nền tảng trực tuyến là nhiệm vụ cần thiết, song, các đơn vị không được tự ý thực hiện.

Việc đưa phim lên các kênh thông tin, nền tảng trực tuyến vừa hạn chế được sự lãng phí của việc tác phẩm vốn chỉ nằm lưu kho, vừa góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần quảng bá vẻ đẹp Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, việc ưu tiên yếu tố con người trẻ, đủ năng lực chuyên môn, đam mê dấn thân sáng tạo cộng với sự đổi mới về khoa học-kỹ thuật là vấn đề đáng quan tâm của dòng phim lịch sử để bứt phá khỏi tư duy, cách thức cũ dẫn tới sự chậm trễ, bế tắc. Về lâu dài, cần có định hướng, chế tài, mức đầu tư cụ thể áp dụng với từng dự án phim để đội ngũ làm nghề chuyên tâm sáng tạo, cùng lúc tạo ra những tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả ■