Mong muốn truyền cảm hứng sống tích cực và ý nghĩa đến người trẻ
- Trước tiên, ông có thể chia sẻ ý tưởng bao trùm cho bộ phim 10 tập về một nhân vật lịch sử đặc biệt như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ?
- Mạch truyện chính trong phim tái hiện cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, người thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trí thức trẻ mang trong mình tư tưởng kháng Pháp dựa trên nền tảng tư duy mới. Trong đêm dài Đông Dương, có một thanh niên An Nam đầy hoài bão và nhiệt huyết đi tìm ánh sáng chân lý. Chịu ảnh hưởng triết học của kỷ nguyên Ánh sáng từ phương Tây, vượt lên thất bại của những nhà tư tưởng yêu nước tiền bối, lại được Thanh niên Kách mệnh Đồng chí hội soi đường, chàng trai trẻ đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc mình. Đó là một quá trình quan sát, nhận thức, tư duy, hành động, trưởng thành và anh dũng hy sinh của nhân vật lịch sử lỗi lạc.
Bổ trợ hữu hiệu cho mạch truyện chính là hai mạch truyện phụ: Những nhân vật nằm trong mối quan hệ tình cảm với nhân vật chính từ những năm tháng ấu thơ trong ngôi làng Phù Khê (Bắc Ninh), trong đó có tình gia đình, tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, hàng xóm láng giềng… Bên cạnh đó là tuyến nhân vật phản diện ác độc, đớn hèn… cả ở trong và ngoài làng, tạo ra những xung đột, kịch tính, làm cho bộ phim hấp dẫn.
- Ông dựa vào nguyên lý nào để có thể kết nối hài hòa ba mạch truyện phim như vậy?
- Chất keo kết nối ba mạch truyện chính là tình yêu thương-nghị lực-bản lĩnh-trí tuệ và lòng vị tha từ nhiều nhân vật, tạo nên giá trị văn hóa, gieo mầm cảm xúc trong người xem. Ba mạch truyện tạo thế chân kiềng vững chắc để Bình minh phía trước đạt được hiệu quả tư tưởng lịch sử song vẫn mềm mại, hấp dẫn với những giá trị nội dung và nghệ thuật mà một bộ phim truyện vốn dĩ cần và phải có.
- Điều cốt lõi mà ông muốn gửi gắm trong bộ phim dài tập này?
- Nhiệt huyết tuổi trẻ, hào khí mà biết bao thế hệ cha ông hun đúc là thông điệp quan trọng nhất mà tôi mong muốn sẽ chuyển tải được tới lớp trẻ ngày nay, qua bộ phim lịch sử như thế này. Từ cảm hứng tích cực mà những nhân vật lịch sử kiệt xuất tạo nên, khán giả trẻ hôm nay sẽ ấp ủ giấc mơ sống, chiến đấu và làm được những điều ý nghĩa nhất cho Tổ quốc, dân tộc và những người thân yêu cũng như cho chính bản thân mình.
Ðể phim lịch sử không còn "khô khan, cứng nhắc"
- Tái hiện chân dung một nhân vật lịch sử sao cho vừa trung thực với sử liệu mà vẫn đạt giá trị nghệ thuật cao, hấp dẫn khán giả luôn là một đề bài nan giải. Ông đã "giải" bài toán khó đó như thế nào trong các bộ phim của mình?
- Bình minh phía trước là bộ phim chân dung thứ ba mà tôi thực hiện, sau Những người viết huyền thoại và Thầu Chín ở Xiêm. Trước đó là Đường thư, Đường lên Điện Biên… Những kinh nghiệm từ các bộ phim trước đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện bộ phim mới nhất này.
Ở bộ phim đầu tay Đường thư, tôi dùng thủ pháp hiện thực lãng mạn để tái hiện một lát cắt nhỏ về cuộc chiến tranh thông qua nhân vật anh lính quân bưu. Đến phim Hà Nội, Hà Nội, tôi muốn có một hiện thực được soi chiếu dưới nhiều giác độ khác nhau, sử dụng nhiều thủ pháp dựng phim nhưng phim vẫn là cách kể gần như trần thuật, còn mang tính minh họa. Phải tới Những người viết huyền thoại, tôi mới thoát khỏi thứ hiện thực đơn thuần để kể truyện phim dưới những ngôn ngữ ấn tượng; đây là lúc tôi đã biết cách làm chủ được mạch cảm xúc của bộ phim. Đến phim Thầu Chín ở Xiêm, tôi đã định hình phong cách sáng tác và ngôn ngữ kể chuyện của cá nhân tôi đối với dòng phim lịch sử. Ngoài sự tính toán chỉn chu, kỹ lưỡng từ bối cảnh, phục trang, đạo cụ, tôi đã đưa vào bộ phim lịch sử này một phần nhỏ tính cổ trang-dã sử, tỷ lệ khoảng 30% thôi, để giúp làm mềm 70% yếu tố lịch sử còn lại. Việc này giúp những yếu tố cấu thành vẻ đẹp bộ phim được nâng lên một tầm cao mới. Phim thoát khỏi mặc định "khô khan, cứng nhắc" nêu trên là nhờ vậy.
- Nhân nhắc tới yếu tố dã sử, ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về lằn ranh mong manh giữa tính chân thực lịch sử và biên độ hư cấu mà người làm phim luôn phải đối mặt, khi bắt tay vào một dự án có yếu tố "người thật-việc thật"?
- Theo tôi, dã sử-cổ trang chỉ là cách gọi của một thủ pháp tạo vẻ đẹp cho nhân vật cùng câu chuyện phim, trong đó có thể sử dụng bối cảnh, phục trang, đạo cụ, âm nhạc… đẹp hơn so với tư liệu hiện thực thôi chứ không có nghĩa là làm sai. Dã sử hay cổ trang thì cũng phải bám chắc vào cái nền lịch sử. Phim phải đúng đã rồi mới đẹp.
Trong quá trình gom nhặt và gạn lọc chất liệu làm phim, nguyên tắc mà tôi thực hiện nghiêm ngặt là bảo đảm tính chính xác, nguyên vẹn của những dấu mốc lịch sử đối với tuyến nhân vật chính. Nhưng khoảng giữa các dấu mốc là mảnh đất màu mỡ để phát triển, làm mềm mạch phim. Trên cơ sở kiến thức chuyên sâu của nguồn sử liệu được tra chéo, kiểm chứng tính xác thực từ nhiều nguồn thì có thể sáng tạo, hư cấu từ nền này trên cơ sở hiện thực lịch sử. Tuyến nhân vật được phép hư cấu bao gồm những tác nhân tạo ra xung đột, kịch tính, giúp truyện phim tăng tính hấp dẫn, là mồi thuốc dẫn tạo sự bùng nổ cho mỗi trường đoạn, tạo sự cuốn hút cần thiết cho từng tập phim.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Nam. Các bộ phim do anh làm đạo diễn đã được trao nhiều giải thưởng trong nước, như: Cánh diều Vàng 2006 (của Hội Điện ảnh Việt Nam) và Bông sen Vàng, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 15 cho phim Hà Nội, Hà Nội; Bông sen Vàng,
LHP Việt Nam lần thứ 18, cho Những người viết huyền thoại; Giải A-Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Ban Tuyên giáo Trung ương cho phim Thầu Chín ở Xiêm.