"Nghệ sĩ giỏi không làm điều thấp kém trong văn hóa"
Thưa họa sĩ, ông vốn không quá mặn mà với họp hành, năm xưa ông còn chủ động rời giảng đường để tập trung đi điền dã, nghiên cứu. Thời gian qua, ông chỉ tham gia công tác lý luận, phê bình của Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số hội đồng xét giải thưởng, triển lãm. Nên việc ông tham gia Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương là một thông tin thú vị với không ít người. Xin ông chia sẻ lý do?
Gần đây, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) có tiến cử tôi vào Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương, ông nói: Thầy vào đó coi như hy sinh, nhưng ở trên cần ý kiến chính xác về giới mỹ thuật, thì cố gắng. Tôi cũng vui vẻ nhận lời, nhất là họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã nói vậy. Tuy nhiều năm qua, tôi không tham gia thường xuyên bất cứ công việc gì, ngoài ngồi vài hội đồng nghệ thuật lâm thời, nhưng tôi vẫn nghiên cứu và quan tâm chung đến hoạt động nghệ thuật. Tôi cũng muốn hiện thực hóa ý kiến bấy lâu nay phát biểu là làm sao bỏ được việc xin phép triển lãm, thúc đẩy sự tự do sáng tạo hơn nữa và những vấn đề về bản quyền, cần có sự đồng thuận với chính sách và luật pháp.
Với vai trò là ủy viên Hội đồng, ông mong muốn công tác của Hội đồng sẽ được đổi mới như thế nào để nâng cao tiếng nói của hoạt động lý luận, phê bình trong đời sống văn nghệ?
Trong buổi họp đầu tiên của Hội đồng, tôi có phát biểu: Từ sau khi xóa bỏ cơ chế bao cấp, hầu hết các ngành nghệ thuật không xác lập được thị trường, lâm vào khó khăn, trừ hội họa. Cho đến nay ngoài Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 5 năm một lần, Triển lãm Điêu khắc 10 năm một lần và vài Festival trẻ, dường như không có hoạt động nào được bao cấp nữa. Các hoạt động cá nhân và nhóm xã hội rất mạnh, giao lưu với quốc tế thường xuyên, cũng như tham dự các workshop... Nó đang là bộ mặt của Mỹ thuật Đương đại Việt Nam. Thế nhưng khu vực này dưới góc độ nhà nước rất ít được chú ý đến, ngoài việc cấp phép triển lãm, không có một tổng kết gì. Đấy chính là nội dung tôi muốn Hội đồng khóa này nghiên cứu. Tôi còn nói, ngoài ra khu vực trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ tự do cũng rất mạnh, bởi vì nếu không giỏi nghề chúng tôi cũng chết. Nhưng nếu không được chú trọng quan tâm đầu tư, đó là sự lãng phí trí tuệ. Và vấn đề thứ ba là nên bỏ việc cấp giấy phép triển lãm, thay hậu kiểm cho tiền kiểm. Bản chất nghệ thuật là nhân văn, nghệ sĩ giỏi không ai làm điều thấp kém trong văn hóa.
Có những cái sai không sửa được
Chính ông và một số nhà nghiên cứu - học trò hoặc bạn hữu trong lĩnh vực mỹ thuật đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề phát triển chính sách như việc xây dựng thị trường mỹ thuật, chống vi phạm bản quyền, quan tâm đến nghệ sĩ trẻ và các không gian mỹ thuật tư nhân... Nhưng chính sách còn chậm so với thực tiễn. Nay khi việc quan tâm đầu tư vào văn hóa đang được thúc đẩy hơn, ông có đề xuất gì tiếp cho những vấn đề này?
Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với chủ trương Kinh tế văn hóa, tôi có gửi tham luận về Thị trường nghệ thuật. Trước sau thì nghệ thuật cũng phải là một bộ phận của hoạt động kinh tế, tự sáng tạo và tự nuôi mình, Nhà nước chỉ hỗ trợ những khu vực bất khả kháng có lợi ích lâu dài. Đó chính là cơ chế hoạt động chuyên nghiệp trong nghệ thuật, còn lại là nghiệp dư không tính đến lỗ lãi.
Tất cả các nước phát triển và đang phát triển đều xây dựng thị trường này, do đó mà phải chấp nhận thực tế có ngành phát triển được, có ngành không. Hoàn toàn không có chuyện nước nào cũng có ngành điện ảnh tầm cỡ quốc tế. Cũng như không thể cầm, kỳ, thi, họa phổ cập được. Trong thể thao cũng vậy, mỗi nơi đầu tư một môn sở trường, có khả năng kiếm tiền, như bóng đá Anh. Vấn đề khó khăn ở nước ta chính là sản phẩm nghệ thuật bị kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, mà không tính đến sự đầu tư và quay vòng vốn của nó. Ta phải đặt câu hỏi, hầu hết các nước Đông Nam Á không kiểm duyệt trước trưng bày, nhưng hầu như không có sự suy đồi nghệ thuật.
Mặt khác luật kinh doanh nghệ thuật chưa hình thành, cơ chế thuế thì đánh như hàng hóa thông thường... Còn rất nhiều vấn đề phải bàn, giữa các nhà quản lý và người làm nghệ thuật. Thế nhưng tiếng nói của những nhà chuyên môn khó đến tai hành chính, chưa kể các quan chức quan trọng của mỹ thuật lại là những người ngoài nghề.
Từ những chủ đề mà ông đi sâu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống, phong tục, tập quán của người dân, về những nét tích cực và cả hạn chế của người Việt xưa nay..., ông có gợi ý gì cho những người làm công tác quản lý, xây dựng chính sách, cơ chế cho văn hóa, văn nghệ?
Đây là vấn đề nan giải, chúng ta đã không làm tốt ngay từ đầu, nên bây giờ rất nhiều sai sót không thể sửa được, nhất là khu vực di sản và văn hóa tộc người. Hầu hết các địa danh dân tộc được mới hóa, sai khác ý nghĩa ban đầu của nó. Thí dụ thị trấn Tam Đường, nguyên tên là San Thàng, nghĩa là bước chân thứ ba, theo truyền thuyết Thái Tày, ở đây có ông khổng lồ bước ba bước thành những vùng trũng. Tam Đường chả có ý nghĩa gì. Bắc Hà cũng thế, nguyên là Pác Ha, nghĩa là trăm bó cỏ, nguyên ở đây là chợ bán cỏ cho ngựa thồ... Các địa danh tộc người trong toàn quốc sai nhiều, do thói quen sơ sài của những cán bộ văn hóa ban đầu và sự đơn âm hóa của tiếng Hán Việt khi khoác vào văn hóa tộc người.
Có những cái sai không sửa được, nhưng nên nhìn nhận lại, điều chỉnh lại các chính sách, quy chế quản lý văn hóa và di sản sao cho phù hợp với bản sắc dân tộc và địa phương. Thí dụ năm nay tôi đi huyện Nam Trà My, Quảng Nam, thì sắc tộc Ca Dong ở đây buồn bã nói rằng họ bị chỉ định thành tộc Cà Tu, không hề là tổ tiên hay liên quan đến họ. Con số 54 dân tộc có vẻ không thay đổi được, nhưng thực tế đòi hỏi chính sách tiếp cận chính xác hơn, thì có lý do gì mà không nhìn nhận lại.
Cần khai thác và nuôi dưỡng văn hóa dân tộc
Nghiên cứu đời sống mỹ thuật, văn hóa nhiều năm qua, theo ông, nên có những hướng triển khai hoạt động văn hóa, văn nghệ như thế nào để tinh thần văn hóa đồng hành cùng đời sống, cùng kinh tế-xã hội được thấm sâu hơn, thiết thực hơn, đặc biệt là làm thế nào để hướng thế hệ trẻ quan tâm tới văn hóa nghệ thuật truyền thống?
Ban đầu tôi xuất phát từ nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam và phương Đông truyền thống, nhưng để thấu hiểu lĩnh vực này, cần học hỏi rất nhiều phần khác, như triết học và tôn giáo phương Đông, văn hóa tập tục, đời sống văn minh, thậm chí là cả kinh tế. Khi viết mở rộng ra ngoài mỹ thuật, tôi có thêm rất nhiều bạn đọc, trong khi xuất bản ở mỹ thuật, thì chính người trong giới lại rất ít mua sách mỹ thuật. Văn hóa dân tộc, nằm ở cả vật thể và phi vật thể, nhưng văn hóa vật thể định được niên đại cổ xưa hơn và ít nhất chúng ta tìm thấy các di vật trong khoảng 4.000 năm qua, còn văn hóa phi vật thể không xác định được như thế.
Đó cũng là lợi thế của người làm lịch sử mỹ thuật, tất cả đều phải là hiện vật thật, chúng chính là lịch sử con người, dân tộc dưới dạng vật chất. Tôi nghĩ cần giáo dục học sinh về lịch sử Việt Nam thông qua lịch sử mỹ thuật thì cũng rất hay, bổ sung cho lịch sử chiến tranh và chính trị.
Dường như "chuyển vùng" từ Hòa Bình về Hà Nội một thời gian và có một xưởng làm việc nho nhỏ, ông đang tiếp tục một chặng đường mới?
Tôi cứ thích lang thang bất định thôi, chứ không muốn ở đâu lâu, vừa là tính cách, vừa thay đổi đề tài nghiên cứu và vẽ. Nhưng đi nhiều, tôi mới thấy văn hóa dân tộc Việt Nam cực kỳ giầu có, dù nó đã mai một phần lớn. Tôi từng viết các nghệ sĩ sống trong kho tàng giầu có của cha ông, mà họ dường như chết đói phải tìm kiếm thực phẩm từ bên ngoài.
Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ đang vững vàng hơn trên những con đường mới, riêng của họ. Quan sát không khí đó, ông có suy nghĩ gì và mong muốn gì ?
Nhu cầu và cách sống của con người ngày nay rất khác, thay đổi chóng mặt. Tôi thì vẫn thấy thanh niên bây giờ rất giỏi, tôi thèm khát được đào tạo như họ, mà hầu như cả đời mình tự học bằng bất kỳ cuốn sách nào. Tuy nhiên, khát vọng vươn lên của họ có vẻ rất khác và không phiêu lưu như chúng tôi, họ thực tế hơn, công chức hóa, chương trình hóa đời sống của mình, không làm việc gì nếu không được định giá trị nhất định. Ngay cả thái độ đối với tôn giáo cũng giới hạn ở các giá trị cụ thể. Cho nên nhiều lúc tôi nghĩ đến câu nói của họa sĩ Pháp Gauguin, mà Bùi Xuân Phái cũng trích dẫn: "Đời không hiểu ta, ta không hiểu đời, vậy ta xin khép mình lại".
Xin chân thành cảm ơn ông! Kính chúc ông mạnh khỏe!