“Sóng” nhập cư và “bão” dân chủ

Những ngày gần đây, châu Âu chao đảo trước làn sóng người nhập cư từ Trung Đông, Bắc Phi và Tây Ban-căng đổ về “lục địa già” ngày càng nhiều. Trong bối cảnh nền kinh tế còn ốm yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn nạn người nhập cư đang trở thành “họa vô đơn chí”, tạo thêm gánh nặng cho châu Âu không chỉ về kinh tế, mà còn về các vấn đề an ninh, xã hội… Tuy nhiên, nếu xét theo mối quan hệ nhân - quả, có thể thấy Liên hiệp châu Âu (EU) đang buộc phải gánh chịu hậu quả từ các chính sách can thiệp của mình với một số quốc gia Trung Đông, Bắc Phi.

Tuần qua, làn sóng người tị nạn đã tràn vào châu Âu với tốc độ chưa từng thấy. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết, chỉ trong bảy tháng đầu năm nÓay đã có khoảng 224.000 người di cư tới châu Âu bằng đường biển, trong đó 98.000 người tới I-ta-li-a và hơn 124.000 người tới Hy Lạp. Theo Cơ quan biên giới EU (Frontex), khoảng 102.000 người di cư đã tràn vào EU bằng đường bộ qua Ma-xê-đô-ni-a, Xéc-bi-a, Bô-xni-a, Héc-xê-gô-vi-na, An-ba-ni, Môn-tê-nê-grô trong nửa đầu năm nay, tăng đột biến so với chỉ 8.000 người cùng kỳ này năm 2014. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, 38% số người dân tại các nước thành viên EU coi nạn nhập cư là mối quan ngại lớn nhất.

Dòng người tị nạn tràn qua biên giới đã khiến nhiều quốc gia bất lực và châu Âu đang “rối như canh hẹ” trong việc giải quyết vấn đề này. Tuần trước, Ma-xê-đô-ni-a đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới ba ngày để đối phó dòng người tị nạn tràn vào từ Hy Lạp. Tuy nhiên, bất chấp lệnh đóng cửa này, cảnh sát Ma-xê-đô-ni-a đã tỏ ra bất lực trước làn sóng người di cư tràn qua biên giới. Chính quyền A-ten cho biết, những người tị nạn biến trẻ nhỏ và phụ nữ có thai thành “lá chắn sống” và sau ba ngày căng thẳng, đối đầu, khoảng 1.500 người chạy nạn đã vào được lãnh thổ của Ma-xê-đô-ni-a qua Hy Lạp.

Việc làn sóng người nhập cư gia tăng đã gây ra nhiều hệ lụy và khiến các nước EU phải nếm “quả đắng”. Với Hy Lạp, việc đón nhận dòng người tị nạn khổng lồ tạo nên gánh nặng tài chính trong bối cảnh nước này đang lâm vào khủng hoảng nợ. Liên hợp quốc kêu gọi các nước châu Âu cần tăng cường hỗ trợ A-ten và cảnh báo nhiều đảo của Hy Lạp không có đủ nước sạch và dịch vụ y tế cho người nhập cư. Tại Đức, các trại tị nạn cho người nhập cư đã quá tải và từ đầu năm đến nay đã xảy ra khoảng 150 vụ tiến công nhằm vào khu vực lán trại của người tị nạn… Khi làn sóng nhập cư gia tăng, một vấn đề lớn đang đặt ra là các thảm họa nhân đạo cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Từ đầu năm đến nay, hơn 2.300 người đã bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải khi cố chen chúc nhau trên những con thuyền cũ kỹ và ọp ẹp của bọn mua bán người để tới châu Âu; hàng nghìn người khác mất tích trên biển. Bộ trưởng Ngoại giao Áo X.Cua-dơ vừa tuyên bố, cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra đối với toàn châu Âu và khu vực Tây Ban-căng.

Làn sóng nhập cư và cách giải quyết vấn đề này cũng đang khiến nội bộ các nước EU lục đục. Mới đây, EC đã đưa ra một đề xuất gây tranh cãi là các nước thành viên EU phải tiếp nhận người tị nạn theo quy chế phân bổ hạn ngạch. Tuy nhiên, cho đến nay, Anh và một số nước vẫn phản đối kế hoạch này. Trong khi chưa có giải pháp chung, châu Âu vẫn đang giải quyết vấn đề theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Do vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, với EU bài toán nhập cư không chỉ nan giải ở góc độ kinh tế, việc làm và an ninh, mà còn đặt ra những vấn đề thuộc về thể chế. Tranh cãi cho một giải pháp được cả lý và tình, có lẽ vẫn sẽ là câu chuyện chưa có hồi kết, dù Đức và Pháp kêu gọi thống nhất lập trường chung trong EU về người tị nạn. Tại Hội nghị cấp cao Tây Ban-căng dự kiến diễn ra hôm nay (27-8) ở thủ đô Viên của Áo, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận sự hợp tác trong khu vực và triển vọng của những nước thuộc Tây Ban-căng muốn gia nhập EU. Tuy nhiên, với tình hình khủng hoảng nhập cư như hiện nay, vấn đề người nhập cư sẽ trở thành một tâm điểm của hội nghị này.

Thực tế cho thấy, EU đang cùng lúc đối mặt hai cuộc khủng hoảng. Trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ tạm lắng xuống và quả “bom nợ” Hy Lạp chưa hoàn toàn được tháo ngòi nổ, cuộc khủng hoảng nhập cư lại giáng thêm một đòn nặng ký, có thể gây bất ổn kinh tế, xã hội. Nguyên nhân chính khiến số người nhập cư vào các nước châu Âu, đặc biệt là Tây Âu tăng mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu là do kinh tế khó khăn tại các nước Đông Âu và tình trạng bất ổn gia tăng tại các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi. Theo đó, các quốc gia như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha… đã trở thành nơi “đất lành chim đậu”.

Tuy nhiên, nếu xét theo mối quan hệ nhân -quả, có thể thấy, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nói trên chính là việc EU đã từng cùng với Mỹ tạo nên những cơn địa chấn mang tên “Mùa xuân A-rập” ở Trung Đông, Bắc Phi. Các cuộc “cách mạng hoa nhài” được EU, Mỹ hậu thuẫn với mục tiêu gieo mầm dân chủ kiểu phương Tây ở một loạt quốc gia như Li-bi, Ai Cập, Xy-ri... đã đẩy nhiều nước vào cảnh bạo loạn và tạo nên làn sóng di cư ồ ạt hôm nay. Bởi thế, theo nhiều nhà phân tích, cũng không oan khi nói EU “gieo gió gặt bão”.

Hy vọng rằng làn sóng nhập cư bắt nguồn từ những “cơn bão cách mạng dân chủ” nêu trên sẽ giúp EU rút ra bài học hữu ích và trong tương lai, các nhà lãnh đạo châu Âu cân nhắc nhiều hơn khi ra quyết định can thiệp vào các quốc gia khác dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền.