Sống lành mạnh, tích cực sau đại dịch

Đi qua đại dịch Covid-19, phần lớn người trẻ đã nhận ra được nhiều giá trị đích thực của cuộc sống và họ đã thay đổi bản thân, từ nhận thức về đời sống, việc làm cho tới lối sống hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Sau dịch, anh Tâm Nguyễn rủ thêm nhiều bạn bè cùng đi làm từ thiện.
Sau dịch, anh Tâm Nguyễn rủ thêm nhiều bạn bè cùng đi làm từ thiện.

Sắp xếp lại chiếc túi xách với những món quà nhỏ xinh tặng ba mẹ, hạnh phúc chờ cuối tuần bắt chuyến xe khách để về quê ở Đồng Nai thăm gia đình, nữ nhà văn trẻ Nguyễn Nga (34 tuổi, ngụ Quận 3) kể, trong thời gian học và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cô rất ít khi về thăm nhà.

Thế nhưng, đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm thay đổi suy nghĩ của Nga. “Khi dịch bùng phát, tôi bị “mắc kẹt” ở thành phố, trong khi ba mẹ vẫn ở quê. Tôi chỉ có thể gặp họ qua điện thoại. Ba mẹ lớn tuổi, mình lại không ở gần trong lúc dịch bệnh phức tạp nên lòng nóng như lửa đốt, chỉ mong ba mẹ và gia đình bình an.

Tôi tự nhủ, sau này hết dịch sẽ thường xuyên về thăm gia đình nhiều hơn”, Nguyễn Nga tâm sự. Bây giờ, dù công việc có bận rộn nhưng mỗi tháng, chị đều dành hai, ba hôm để về quê ở với cha mẹ và em gái. Được quây quần bên mâm cơm nóng hổi cùng gia đình, được nhìn thấy những người thân yêu, với chị hạnh phúc đó không thể diễn bằng lời.

Vừa tổ chức đoàn từ thiện đến thăm, tặng quà bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Mai Hòa (huyện Củ Chi), anh Tâm Nguyễn (28 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đã lên kế hoạch tiếp theo để chăm lo cho trẻ em dịp Noel, Tết sắp đến. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Tâm Nguyễn cho hay, dịch bệnh đã làm anh thay đổi không ngờ. Từ một nhân viên văn phòng ngày ngày đi làm, cuối tháng chờ lương, anh đã mạnh dạn bước ra vùng an toàn, tự mình kinh doanh và nhận thêm nhiều công việc tự do đúng chuyên môn.

Đặc biệt, anh tâm nguyện “sống là phải cho đi” nên anh tổ chức nhiều chuyến từ thiện đến các vùng sâu, vùng xa, những mái ấm, nhà tình thương… để đem niềm vui, hạnh phúc đến trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn. Anh còn là tình nguyện viên hiến máu cứu người. “Trong giai đoạn dịch bệnh, tôi cùng những người bạn của mình tham gia “cấp cứu oxy”, tiếp tế thực phẩm cho người dân…

Bất kể xa gần, ngày hay đêm, chỉ cần nhận được thông tin cần hỗ trợ, chúng tôi đều đến tận nơi ứng tiếp. Sau dịch, tôi vẫn tiếp tục làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em, người già khó khăn, vì tôi muốn vậy. Nếu trước đây mình làm đơn độc, lâu lâu đi một lần thì bây giờ có thêm bạn bè, người quen cùng tham gia, lan tỏa tinh thần thiện nguyện nhiều hơn”, anh Tâm nói.

Nhớ lại những kỷ niệm trong chuyến trekking (đi bộ dài ngày) ở Tà Giang (Khánh Hòa) vừa qua, cô gái 9X Nguyễn Kỳ Hoa (ngụ thành phố Thủ Đức) chia sẻ, cô muốn thử thách bản thân, trải nghiệm những điều mới lạ nhiều hơn. Vốn là người yêu thể thao, Kỳ Hoa chơi khá tốt nhiều môn như yoga, zumba, chạy bộ…, gần đây là leo núi nhân tạo, bơi lội, bắn cung…

Công việc bận rộn, nhưng chị vẫn tranh thủ buổi trưa hoặc tối, ngày cuối tuần đến phòng tập. “Tập thể thao không chỉ giúp mình có một cơ thể khỏe mạnh, săn chắc mà hơn hết là một tinh thần lạc quan, vui vẻ. Bên cạnh đó, mình còn cố gắng duy trì lối sống và ăn uống lành mạnh. Điều này giúp mình thêm yêu bản thân, tinh thần lạc quan hơn”, Kỳ Hoa cho biết. Không chỉ tập một mình, chị còn rủ nhiều người bạn tham gia nhóm thể thao để cùng rèn luyện sức khỏe.

Sáng sớm cũng như chiều muộn, tại nhiều công viên như Tao Đàn, 23/9 (Quận 1), Gia Định (quận Gò Vấp)… luôn có rất đông người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Người lớn tuổi tập dưỡng sinh, đi bộ dọc công viên; giới trẻ thì nhảy aerobic, nhảy rumba… Họ xem đó như là “chìa khóa vàng” để có sức khỏe tốt. “Tôi tham gia nhóm dưỡng sinh gần nửa năm nay, tập hai buổi/tuần. Trước đây, tôi chỉ tập tại nhà, từ sau dịch Covid-19, tôi thích những bài vận động ngoài trời lại có thêm bạn bè, người quen.

Chúng tôi động viên nhau siêng năng vận động, vừa chia sẻ kiến thức dinh dưỡng… Những năng lượng tích cực cứ thế lan tỏa, thu hút thêm nhiều người cùng tham gia”, chị Hoa Cương (nhân viên văn phòng ở Quận 3) chia sẻ. Nhóm thể thao 5 giờ 30 được lập trong những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Khi mới khởi xướng, nhóm chỉ có hơn 2.000 thành viên, nay đã tăng lên gần 6.000.

Trưởng nhóm Ngô Công Quang bộc bạch: “Khi mọi người ở nhà nhiều, hầu như ai cũng ôm điện thoại. Nếu chúng ta kết nối để làm việc hữu ích thì sẽ tốt hơn. Các bài tập thể dục tại chỗ, giao lưu thử thách không chỉ giúp mọi người lấp thời gian trống, mà còn tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng trước dịch bệnh”.

Từ sự sôi động ở khu trung tâm trong những ngày cuối tuần, nhiều cá nhân, tổ chức đã nghĩ ra những cách thức làm ăn hay kết nối hỗ trợ cộng đồng đầy sáng tạo. Mô hình quán cà-phê lưu động trên chiếc xe tải nhỏ đậu trước cửa Bưu điện thành phố vào ngày cuối tuần là một thí dụ. Điều đặc biệt, dù là quán cà-phê nhưng không bán cà-phê theo lối thông thường.

Để nhận được ly cà-phê thơm ngon, khách chỉ cần đem đến trao cho nhân viên của quán một quyển sách. Số sách này sẽ được trao tặng cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa. Đại diện đơn vị tổ chức Coffee tour in the City, chị Ngọc Thắm cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn mở cửa, xe cà-phê đã có hơn 1.000 lượt khách ghé thăm và thưởng thức cà-phê trong không gian tràn ngập sách và hơi thở, sắc màu của một thành phố tươi trẻ, năng động.

Khách đến nhâm nhi cà-phê còn được thưởng thức âm nhạc, được nghe những âm thanh cuối tuần quen thuộc từ tiếng còi xe, tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà… Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho biết: Chủ trương “mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách” được xem là ý tưởng sáng tạo nhằm huy động nguồn lực tham gia phát triển ngành du lịch thành phố. Điều thú vị là du khách tham gia không chỉ là người địa phương khác mà còn có cả những cư dân tại địa bàn, trong đó có rất nhiều bạn trẻ.