Trước sự chứng kiến của các sở, ngành và đại diện các công nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã trao 1 tỷ đồng cho Cục thi hành án dân sự tỉnh Sơn La.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh thực hiện việc thanh toán tiền nợ bảo hiểm, chốt sổ bảo hiểm và thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định cho một số người nguyên là công nhân của Công ty cổ phần xi-măng Chiềng Sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Đây là số tiền được tỉnh xã hội hóa, kêu gọi các nhà tài trợ để hỗ trợ quyền lợi cho các công nhân khó khăn nằm trong diện được hưởng theo quy định. Tỉnh đã chỉ đạo thành phố Sơn La hoàn tất xong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 140 hộ, bảo đảm không có hộ nào nằm trong diện chưa được cấp.
Công ty cổ phần xi-măng Chiềng Sinh có nhà máy xi-măng với công suất 8,2 vạn tấn/năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/1997. Cuối năm 2004, được sáp nhập về Tổng công ty công trình giao thông I (CIENCO1).
Năm 2006, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đã chuyển đổi hình thức sở hữu, thành lập công ty cổ phần với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó 51% vốn nhà nước thuộc CIENCO1. Giá trị cổ phần vốn còn lại được chia bán cho cán bộ, công nhân, người lao động trong công ty.
Đến tháng 8/2008, Giám đốc Công ty cổ phần xi-măng Chiềng Sinh đã bị bắt, chịu án tù vì những sai phạm trong quản lý kinh tế. Sau sự cố đó, công ty đã nhiều lần thay đổi giám đốc nhưng đến tháng 3/2013, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty càng sa sút, nợ nần, hết vốn lưu động, hết nguyên liệu sản xuất, nhà máy chính thức ngừng hoạt động.
Theo phản ánh của người lao động, đến ngày 23/11/2014, phía người mua phần vốn nhà nước từ CIENCO1, là Chủ tịch Hội đồng quản trị mới đã triệu tập họp công nhân và các cổ đông, hứa sẽ khôi phục sản xuất, mở thêm ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa triển khai gì, ngược lại đã cho người lên tháo dỡ máy móc thiết bị mang đi bán.
Qua trao đổi với lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Sơn La, được biết: Kiến nghị của người lao động là hoàn toàn chính đáng, họ có làm việc, có lương đã nộp bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, đơn vị lại chưa nộp đủ số tiền cho Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động là Giám đốc công ty.
Là người đại diện cho các công nhân trong thời gian vừa qua, ông Vũ Gia Dung, nói: Tôi không có tên trong danh sách hỗ trợ tiền nhưng chúng tôi rất vui và đồng tình với cách giải quyết của tỉnh Sơn La. Mặc dù đây không thuộc trách nhiệm của tỉnh, vì công ty đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, mọi hoạt động, sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp điều hành, nhưng lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng cho quyền lợi của người lao động.