Cần có giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động Công ty cổ phần xi-măng Chiềng Sinh

Do làm ăn thua lỗ, nợ đọng kéo dài, nhà máy ngừng sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động (NLÐ) tại Công ty cổ phần xi-măng (CPXM) Chiềng Sinh (tỉnh Sơn La) rất khó khăn. Tình trạng đó kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả.

Nhà máy xi-măng Chiềng Sinh đã ngừng hoạt động từ lâu.
Nhà máy xi-măng Chiềng Sinh đã ngừng hoạt động từ lâu.

Từ quản lý kém hiệu quả...

Công ty CPXM Chiềng Sinh, địa chỉ tại km 9, phường Chiềng Sinh (TP Sơn La), có nhà máy xi-măng với công suất 8,2 vạn tấn/năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-1997. Ðơn vị này là doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh Sơn La quản lý. Cuối năm 2004, triển khai chủ trương xây dựng nhà máy xi-măng lò quay Mai Sơn, Công ty CPXM Chiềng Sinh được sáp nhập về Tổng công ty công trình giao thông I (CIENCO1).

Năm 2006, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi hình thức sở hữu, thành lập công ty cổ phần, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó 51% vốn nhà nước thuộc CIENCO1. Giá trị cổ phần vốn còn lại được chia bán cho cán bộ, công nhân, NLÐ trong công ty.

Công ty từng được coi là đơn vị làm ăn có hiệu quả ở tỉnh Sơn La. Có thời kỳ, xi-măng sản xuất ra không kịp để bán, thương hiệu "xi-măng Chiềng Sinh" đứng vững trên thị trường Sơn La và vùng Tây Bắc. Tháng 8-2008, Giám đốc Công ty CPXM Chiềng Sinh Nguyễn Huy Kế lúc đó vừa nhận Huân chương Lao động hạng nhì một thời gian ngắn thì bất ngờ bị bắt, chịu án tù vì những sai phạm trong quản lý kinh tế. Từ đây, cơ quan điều tra phát hiện nhiều sai phạm, lỗ hổng trong quản lý kinh tế của công ty.

Sau sự cố đó, công ty có ban lãnh đạo mới do ông Bùi Văn Cương làm giám đốc, nhưng làm ăn gặp khó khăn. Tình trạng nợ đọng tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài, làm công nhân, NLÐ bức xúc gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi. Theo báo cáo giải trình số 19/CV-XMCS ngày 24-2-2012 của công ty gửi các cơ quan, ban, ngành, khi ban lãnh đạo mới tiếp nhận điều hành từ tháng 11-2008, với số nợ cũ tồn lại là 105 tỷ đồng; trong đó, nợ ngân hàng hơn 64 tỷ đồng, nợ BHXH hơn năm tỷ đồng, nợ lương công nhân hai tỷ đồng... Tiếp nhận công ty trước một đống nợ, sổ sách kế toán thiếu minh bạch, tình trạng làm không kịp trả nợ buộc giám đốc Bùi Văn Cương xin rút. Ðại hội cổ đông bất thường đã cử kế toán trưởng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Trường làm giám đốc mới. Nhưng một năm sau đó, vào thời điểm tháng 3-2013, dưới sự điều hành của giám đốc Nguyễn Xuân Trường, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty càng sa sút, nợ nần, hết vốn lưu động, hết nguyên liệu sản xuất, nhà máy chính thức ngừng hoạt động cho đến nay.

...Đến tình cảnh cực nhọc của người lao động

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hơn bốn năm qua, từ khi nhà máy ngừng hoạt động, NLÐ công ty không có lương, không có việc làm, phải tự bươn chải kiếm sống, nhiều hộ gia đình công nhân chạy ăn từng bữa. Chúng tôi đi dọc 700m đường vào nhà máy, đồng thời là nơi sinh sống của 135 hộ công nhân thuộc khu dân cư tổ 4, phường Chiềng Sinh thấy hầu hết đều là những ngôi nhà cấp 4 xập xệ, xuống cấp.

Theo nội dung đơn kêu cứu của công nhân, đến thời điểm tháng 3-2013, công ty còn nợ công nhân sáu tháng lương (từ tháng 6 đến tháng 12-2012) và nợ 29 tháng BHXH, với hơn sáu tỷ đồng. Từ đó đến nay, đời sống, việc làm của NLÐ Công ty CPXM Chiềng Sinh gần như bị bỏ rơi. Bất ngờ, ngày 23-11-2014, bà Nguyễn Thị Hoa, người mua phần vốn nhà nước từ CIENCO 1, là Chủ tịch Hội đồng quản trị mới, triệu tập họp công nhân và các cổ đông. Bà Hoa hứa sẽ khôi phục sản xuất, mở thêm ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm cho công nhân. Nhưng từ đó đến nay đã hơn hai năm, bà Hoa chưa triển khai gì, ngược lại đã cho người lên tháo dỡ máy móc thiết bị mang bán. Theo chị Nguyễn Kim Thúy, thủ kho Nhà máy xi-măng Chiềng Sinh, chưa kể tài sản trong dây chuyền nhà máy, giá trị thiết bị dự phòng trị giá hàng tỷ đồng cũng đã bị tháo dỡ mang đi. Trước sự việc này, đại diện nhóm công nhân Công ty CPXM Chiềng Sinh đã đến ngăn cản, không cho dỡ dây chuyền sản xuất, gây tình trạng căng thẳng, mất an ninh trật tự trong khu vực. Ðến thời điểm này, tinh thần, tư tưởng của NLÐ Công ty CPXM Chiềng Sinh rất hoang mang. Bà Nguyễn Thị Tưởng, công nhân công ty, cho biết: "Ðã hơn bốn năm, chúng tôi đợi chờ hướng giải quyết của công ty. Trong khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, con thì còn nhỏ, một cháu học lớp 10, một cháu học lớp 7, bố mẹ thì già yếu. Vợ chồng tôi năm nay 50 tuổi, sức khỏe yếu, đi xin việc ở đâu cũng không nhận".

Tỉnh Sơn La và các ban, ngành, đoàn thể đã nắm được tình hình, nhưng cũng chưa có giải pháp cụ thể. Bởi vì công ty trước đây thuộc tỉnh, nhưng hiện nay đã cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, mọi hoạt động, sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp điều hành. Theo ông Nguyễn Thế Quân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, kiến nghị của NLÐ là hoàn toàn chính đáng, họ có làm việc, có lương đã nộp BHXH. Thế nhưng, đơn vị lại chưa nộp đủ số tiền cho BHXH tỉnh. Trong đó, mới nộp đến hết tháng 7-2010, bảo hiểm thất nghiệp mới nộp đến tháng 11-2011. Trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động, là giám đốc công ty.

Những công nhân Công ty CPXM Chiềng Sinh đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp đang làm ăn phát triển, sau mấy lần chuyển đổi, cổ phần hóa, mua đi bán lại dẫn đến tài sản nhà nước mất dần, công nhân mất việc làm, rơi vào khó khăn, chỉ một số người giàu lên bất thường... Vấn đề càng khó khăn hơn khi 269 công nhân đóng BHXH nửa chừng, bị công ty "quỵt" tiền bảo hiểm, không thể giải quyết chế độ. Một phần vốn ít ỏi mà NLÐ đóng cổ phần vào công ty bây giờ coi như mất. Liên đoàn Lao động tỉnh Sơn La đã vào cuộc, nhưng đến nay cũng chỉ biết... đứng nhìn.

Trước tình hình nêu trên, Ðề nghị tỉnh Sơn La và Bộ Giao thông vận tải phối hợp vào cuộc, thực hiện kiểm tra toàn diện, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự "đổ vỡ" của Công ty CPXM Chiềng Sinh; đánh giá, xem xét lại chủ trương khi sáp nhập công ty về CIENCO 1; xác định lại quyết định, quy trình việc mua bán, thoái vốn nhà nước và những vấn đề liên quan đời sống, thu nhập, việc làm của cán bộ, công nhân, NLÐ một cách thấu đáo, có lý, có tình, góp phần ổn định tình hình an ninh xã hội.

Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy Sơn La là sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý, nhưng kết quả chưa được như ý muốn. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thanh tra toàn diện để có giải pháp cụ thể, kịp thời hơn.

NGUYỄN HỮU ÐÔNG

Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La