Thực tế cũng ghi nhận, sau 4 năm đi vào hoạt động, nhà máy này phát thải hơn 11.000 tấn tro bay nhưng đến nay chưa được xử lý theo quy định để bảo vệ môi trường.
Nhà máy do Công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng môi trường EB Cần Thơ đầu tư trên diện tích 5,3ha, tổng mức đầu tư 1.050 tỷ đồng sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện trong thời gian 20 năm. Nhà máy tiếp nhận rác thải sinh hoạt từ 6 quận, huyện, gồm: Ninh Kiều; Cái Răng; Bình Thủy; Thới Lai; Thốt Nốt và Ô Môn.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, tro của nhà máy gồm 2 loại: Tro xỉ lò được tái sử dụng để làm vật liệu xây dựng, san lắp mặt bằng; tro bay thì phải thu gom chôn lấp không được tái sử dụng.
Theo thiết kế, với công suất đốt rác 400 tấn/ngày, mỗi ngày có khoảng 8 tấn tro bay phát sinh cần xử lý. Sau 4 năm hoạt động, đến nay có hơn 11.000 tấn tro bay thải ra nhưng chưa xử lý theo quy định. Số tro bay này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng môi trường EB Cần Thơ sử dụng 2 lớp lót màng chống thấm và che nắng, che mưa (bạt nhựa HDPE) mặt đáy và mặt phủ bên trên với diện tích 5.000m2 để chứa. Hiện, bãi chứa đã quá tải do lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, cần phải có phương án xử lý phù hợp, triệt để.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cho biết, để xử lý số tro bay phát sinh, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có chủ trương kêu gọi nhà đầu tư khu xử lý rác thải và tro bay này theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022), chất thải này không còn là chất thải nguy hại mà là chất thải có kiểm soát và lượng tro bay này hiện được kiểm soát theo quy định.
Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ưu tiên kêu gọi đầu tư thêm khu xử lý rác thải để đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải ngày càng tăng của thành phố, trong đó có việc xử lý tro bay của nhà máy đốt rác phát điện. Với tro bay không còn là rác thải nguy hại, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ chủ động phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá để có thể sử dụng lượng tro bay này vào việc có ích, thay vì phải chôn lấp vừa tốn chi phí xử lý và tài nguyên đất đai.
Hiện, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đang khẩn trương xây dựng các tiêu chí để kêu gọi đầu tư mở rộng khu xử lý rác thải để giải quyết dứt điểm tình trạng này.