Sớm hoàn thiện chính sách cho hoạt động xuất bản

Luật Xuất bản có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, đã tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho hoạt động xuất bản tăng trưởng và từng bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng của ngành xuất bản khoảng 6-8%/năm; năm 2023 có gần 37.000 đầu xuất bản phẩm với hơn 530 triệu bản sách in và sách điện tử, đưa chỉ số xuất bản phẩm trên đầu người (chưa kể xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 5,3 bản/người/năm. Năm 2023, tổng doanh thu ba lĩnh vực (xuất bản, in và phát hành) đạt khoảng 102 nghìn tỷ đồng.
Trao tặng các bảng tượng trưng tặng tủ sách cho các đơn vị thuộc 5 huyện ngoại thành ở Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội Sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, ngày 31/5/2024. (Ảnh LINH BẢO)
Trao tặng các bảng tượng trưng tặng tủ sách cho các đơn vị thuộc 5 huyện ngoại thành ở Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội Sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, ngày 31/5/2024. (Ảnh LINH BẢO)

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động xuất bản đang bộc lộ những bất cập và nảy sinh nhiều vấn đề mới đòi hỏi cần sớm có biện pháp khắc phục. Số lượng nhà xuất bản có doanh thu vượt 100 tỷ đồng/năm còn ít. Ðội ngũ cán bộ xuất bản chưa theo kịp sự phát triển ngày càng cao, biểu hiện là khả năng thích ứng chậm với công nghệ mới. Gần 90% trong số 2.100 cơ sở in ấn trên cả nước có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế, thiết bị lạc hậu...

Thực tiễn hoạt động xuất bản đang bộc lộ những bất cập và nảy sinh nhiều vấn đề mới đòi hỏi cần sớm có biện pháp khắc phục. Số lượng nhà xuất bản có doanh thu vượt 100 tỷ đồng/năm còn ít. Ðội ngũ cán bộ xuất bản chưa theo kịp sự phát triển ngày càng cao, biểu hiện là khả năng thích ứng chậm với công nghệ mới. Gần 90% trong số 2.100 cơ sở in ấn trên cả nước có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế, thiết bị lạc hậu...

Mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản cũng thiếu thống nhất, gây ra sự cạnh tranh chưa bình đẳng (nhà xuất bản theo mô hình Công ty TNHH một thành viên vốn nhà nước tự chủ về tài chính đang phải cạnh tranh với các nhà xuất bản theo mô hình sự nghiệp công lập có thu được bảo đảm chi thường xuyên hoặc bảo đảm đầu tư hạ tầng, hỗ trợ chi phí).

Do đặc điểm các cơ quan chủ quản rất đa dạng, không đồng cấp, nên việc quản lý, giám sát, hỗ trợ của các cơ quan chủ quản đối với các nhà xuất bản còn thiếu sự thống nhất, đồng bộ và khó bảo đảm đúng quy định của Luật Xuất bản. Trong khi đó, tình trạng sách giả ngày càng nhiều. Nạn in lậu xuất bản phẩm, chủ yếu là xuất bản phẩm có giá bán lẻ cao, có chi phí mua bản quyền lớn, xuất bản phẩm best seller... chưa được ngăn chặn một cách triệt để.

Lợi dụng mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức phát hành sách lậu, sách vi phạm bản quyền, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi tác giả, nhà xuất bản và các đơn vị liên kết. Việc điều tra, kiểm tra, xác minh cũng còn hạn chế do việc phân định sách thật, sách giả gặp nhiều khó khăn.

Chính sách phát triển xuất bản điện tử tuy đã được quan tâm hơn nhưng kinh phí hỗ trợ còn thấp. Xuất bản điện tử ở Việt Nam cũng mới đạt 7% về số đầu sách và khoảng 5% về số bản sách, ở mức trung bình thấp trong khu vực.

Chúng ta vẫn chưa xác lập chuẩn mực thống nhất trong công nghệ xuất bản, in và phát hành để giúp bạn đọc tiếp cận và sử dụng sách điện tử. Hệ thống thông tin dữ liệu đặc tả của xuất bản phẩm điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, truy nhập, quản lý và lưu trữ xuất bản phẩm điện tử cũng chưa được xây dựng.

Việc phối hợp phòng chống in lậu, xâm phạm bản quyền sách trên môi trường mạng, chia sẻ thông tin, liên thông dữ liệu quản lý còn hạn chế do tính phức tạp của không gian mạng và thương mại điện tử...

Tại hội thảo “Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản” mới đây, đã có những đề xuất giải pháp căn cơ để sớm hoàn thiện thể chế pháp luật cho hoạt động xuất bản, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Ðó là, cần thống nhất về mô hình của các nhà xuất bản và có cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các nhà xuất bản với tư cách là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng. Cải cách thủ tục hành chính phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Ứng dụng nền tảng số để giúp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu, sách giả; nâng cao vai trò quản lý của cơ quan chuyên ngành... Có cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở; về miễn, giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn…

Ðiều này đòi hỏi năng lực nắm bắt, phát hiện vấn đề, chủ động kiểm soát tình hình, phối hợp tháo gỡ khó khăn của các cơ quan quản lý xuất bản, cơ quan chủ quản nhà xuất bản và các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Và rất cần thiết là phải sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập và bảo đảm phù hợp thực tiễn phát triển của lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn mới. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2025.