Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Trong đó, có 48 nhà xuất bản thuộc Trung ương và 9 nhà xuất bản thuộc địa phương. Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4% so với năm 2022) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%).
Cơ cấu sách cho thấy sự biến động nhẹ, tăng giảm cả về số lượng đầu sách và số bản in. Duy chỉ có sách văn học thiếu nhi tăng mạnh. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến ngày 31/12/2023, có 24 nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%), góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử trên tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3%, vượt chỉ tiêu đề ra 12%.
Bên cạnh nỗ lực, vẫn tồn tại những hạn chế được Cục Xuất bản, In và Phát hành thẳng thắn nhận định. Cụ thể, đối với nội dung sách nhiều sai sót, vi phạm về mặt chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm còn chưa được khắc phục, dẫn đến việc cơ quan chức năng phải xử lý với các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, sách giá trị và có sức lan tỏa chưa nhiều, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học-công nghệ.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị xuất bản đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, sự ổn định hoạt động. Ngoài ra, các nguồn nhân lực khác nhìn chung cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ có chất lượng, có kỹ năng về công nghệ thông tin và các vị trí nắm bắt thị hiếu của bạn đọc, xây dựng thương hiệu, marketing, phát hành...
Đối với vấn đề chuyển đổi số, mức đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản còn hạn chế. Dù đã có bốn nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ năm, nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào hỗ trợ quy trình xuất bản triển khai vẫn chậm, kết quả chưa rõ nét.
Mặt khác, mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói, một số nhà xuất bản khối đại học xuất bản, phát hành dạng này chưa thật sự có bước tiến mạnh về số lượng, chất lượng. Ở mảng phát hành, một số cơ sở chưa chú trọng đầu tư chuyển đổi số; tình trạng xâm phạm bản quyền, nhất là trên không gian mạng đã được các cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên các biện pháp giải quyết chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu.
Hoạt động liên kết xuất bản cũng đang bộc lộ nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản; buông lỏng quy trình biên tập dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết.
Một trong những thông tin đáng chú ý của ngành xuất bản là từ ngày 1/1/2023 đến 19/2/2024, ở Trung ương, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã thực hiện một cuộc kiểm tra theo kế hoạch; Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành 10 cuộc kiểm tra theo kế hoạch.
Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ban hành bốn quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bốn tổ chức, với tổng số tiền phạt là 40,5 triệu đồng; Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một công ty mức phạt là 22,5 triệu đồng. Ở địa phương, tính đến ngày 18/3/2024, các sở thông tin và truyền thông đã tiến hành 752 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 657.250.000 đồng, tịch thu, tiêu hủy 43 xuất bản phẩm các loại.
Trước thực trạng ngổn ngang, còn nhiều khó khăn cần giải quyết, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên nhận định: Cần tiếp tục tăng cường giải pháp đồng bộ. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế lĩnh vực xuất bản, phát hành.
Trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và tham mưu xây dựng hoàn thiện nghị định thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 13/4/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả thành tựu của khoa học-công nghệ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để hướng tới chuyển đổi số. Tăng cường công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời cá nhân, tổ chức có thành tích.
Đối với cơ quan chủ quản nhà xuất bản cần nghiên cứu, sắp xếp nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại; mạnh dạn dừng hoạt động nhà xuất bản có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ, yếu kém; nhanh chóng có phương án hỗ trợ giải quyết cho các nhà xuất bản đang nợ thuế do bất cập cơ chế thuế, thuê nhà thuê đất; nghiên cứu sớm có mô hình tổ hợp xuất bản mạnh, phát triển các tổ hợp và các nhà xuất bản trọng điểm để tạo động lực dẫn dắt thị trường. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực biên tập viên và nhân sự lãnh đạo kế cận, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài như một số nhà xuất bản thời gian vừa qua, đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn và thực tiễn hoạt động xuất bản.
Với các nhà xuất bản ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Xuất bản, quy định của Đảng và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề chuyển đổi số quốc gia; phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2024 và nhu cầu của đông đảo bạn đọc. Xây dựng kế hoạch, có sự đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật nhằm phục vụ việc phát triển xuất bản điện tử, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý, biên tập, phát hành để bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay, cũng như quan tâm đến việc thực hiện các thủ tục hành chính được hiệu quả là nhiệm vụ cấp thiết cần được thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cơ sở phát hành xuất bản phẩm cũng cần đẩy mạnh đầu tư để khôi phục và phát triển hoạt động phát hành, trọng tâm là việc chuyển đổi số; thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xúc tiến liên kết giữa thị trường xuất bản phẩm trong nước với thị trường sách khu vực và quốc tế.