Tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012

NDO - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012 với sự tham gia của đại biểu nhiều cơ quan Trung ương và địa phương cùng các đơn vị xuất bản, in và phát hành trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Chủ trì hội nghị và phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Qua 10 năm thi hành Luật Xuất bản, ngành xuất bản, in và phát hành đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân. Hội nghị là dịp để nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua; đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành; các văn bản quy định chi tiết; đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, từ đó chỉ ra vấn đề mới, vấn đề phát sinh còn khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới”.

Luật Xuất bản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 4, ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua 10 năm thi hành, các quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên đã trình bày báo cáo tổng kết 10 năm, trong đó có những nội dung đáng chú ý như: “Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6-8%/năm.

Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số lượng xuất bản phẩm trong thời gian này có giảm, toàn ngành đã xuất bản được 64.816 đầu sách, 777 triệu bản sách, đưa tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 4,3 bản/người/năm, tăng 1,1 lần so năm 2012. Việc cấp, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cấp giấy phép hoạt động in gia công xuất bản phẩm được triển khai thực hiện tương đối kịp thời, cơ bản bảo đảm các điều kiện hoạt động cơ sở in theo quy định của Luật Xuất bản...”

Nhìn chung, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn đã tạo đà tăng trưởng cho hoạt động xuất bản, in và phát hành của cả nước, song bên cạnh những ưu điểm và mặt tích cực, nhiều vấn đề mới cũng đã phát sinh trong thực tiễn, khiến việc thi hành Luật gặp phải những hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như, cùng với sự phát triển của các loại hình xuất bản điện tử, hành vi vi phạm bản quyền lại càng nhức nhối hơn bao giờ hết. So với việc in lậu sách giấy, hành vi phát tán sách điện tử tràn lan trên môi trường số phức tạp và khó xử lý hơn nhiều. Do đó, nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất chế tài xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách để bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và bảo vệ độc giả.

Tiếp tục trong các phiên tham luận, các đại biểu đã góp ý một số nội dung của Luật Xuất bản năm 2012 chưa phù hợp với thực tế; đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản.

Để tháo gỡ các hạn chế, bất cập, ngành xuất bản, in và phát hành sách kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản nhằm xác định quan điểm, định hướng cho sửa đổi Luật Xuất bản, đáp ứng yêu cầu của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; Quốc hội (khóa XV) xem xét giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2024.