Sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế

Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là chỉ dấu cho thấy một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ các Trung tâm Tài chính phát triển của thế giới. Trung tâm này vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho thành phố làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Một góc khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Tận dụng cơ hội, sớm triển khai Nghị quyết

Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ các điều kiện và có động lực sớm hình thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ra đời tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố là nơi tập trung các chi nhánh và văn phòng đại diện của hơn 30 ngân hàng thương mại nội địa và 50 ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính quốc tế...

Nhận định về việc nắm bắt cơ hội, Thạc sĩ Vũ Thị Cúc (Học viện Chính trị khu vực IV) cho rằng: Việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Thành công trong việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế và sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ, không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn lan tỏa tới các bên có giao dịch liên quan; tạo động lực phát triển các nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống... Do đó, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là điều cần thiết để tạo một cơ sở vật chất với quy mô lớn, là nơi tập trung các giao dịch tài chính với sự tham gia của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Về mặt cơ chế, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung vào việc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Một trong những điểm chính của Nghị quyết này là đề xuất mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng. Nghị quyết yêu cầu chú trọng hợp tác quốc tế để mở rộng kết nối với các thị trường quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Nam (Trường đại học Văn Lang), Thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện điều này thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại, thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế với các đối tác quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh quốc tế. Mục tiêu mở rộng quy mô giao thương và giao dịch quốc tế đặt ra trong Nghị quyết mang lại cơ hội cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển cả ở mức độ quốc tế và khu vực. Để triển khai mục tiêu này, thành phố cần tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt và tiên tiến. Điều này có thể bao gồm sự đổi mới trong công nghệ tài chính, tăng cường đào tạo nhân sự và khuyến khích sự đa dạng trong thị trường tài chính.

Sớm hình thành IFC để thúc đẩy tăng trưởng

Theo Thạc sĩ Lê Trọng Hưng (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu Vĩnh Long), các nhà hoạch định chính sách và cơ quan chức năng của Việt Nam đang từng bước tạo điều kiện và cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc khám phá các cách thức để phát triển hệ sinh thái tài chính và dịch vụ chuyên môn. Một trong những cách thức đó là phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm Kinh doanh và Tài chính quốc tế (IFC), nhằm cung cấp môi trường pháp lý và kinh doanh phù hợp để thu hút đầu tư mới trong khu vực và quốc tế; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính thông qua việc đưa những hoạt động đang thực hiện tại các nước lân cận về Việt Nam. Nếu Thành phố Hồ Chí Minh trở thành IFC có thể mang lại giá trị kinh tế cao cho Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, từng bước thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích các giao dịch tài chính ngoài nước chuyển dịch về thành phố và tái đầu tư lợi nhuận vào phát triển đất nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành phố có không ít trở ngại khi thực hiện mục tiêu trên. Để xây dựng và phát triển thành IFC cần phải hội tụ đủ các yếu tố cơ bản nhằm tạo nên thứ hạng của một trung tâm tài chính quốc tế gồm: Sức mạnh kinh tế của nước sở tại; quản trị quốc gia và môi trường kinh doanh; sự phát triển tài chính toàn diện; lao động có tay nghề cao; khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng; uy tín quốc gia. Trong các yếu tố đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế, nhất là yếu tố về cơ sở hạ tầng.

Thạc sĩ Lê Trọng Hưng đưa ra đề xuất, để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một IFC thực sự, thành phố cần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến; cần có các cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm ở một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, các cơ quan Trung ương cần quan tâm và vào cuộc trong việc thu hút, hình thành những tập đoàn tài chính đủ khả năng tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính. Các tập đoàn này phải bảo đảm năng lực để tích hợp kinh doanh đa ngành từ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.

"Bên cạnh đó, thành phố cần xác định rõ giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính, làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới và trong khu vực tham gia. Thành phố Hồ Chí Minh phải chủ động đào tạo, xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ trình độ trong ngành tài chính. Đặc biệt, thành phố cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển mang tầm cỡ quốc tế..." - Thạc sĩ Lê Trọng Hưng đưa ra giải pháp.