Sớm giải quyết quyền lợi cho người dân

Thời gian gần đây, Báo Nhân Dân nhận được đơn của 37 hộ dân (trước đây là cán bộ, nhân viên Công ty Công trình giao thông 118) tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) phản ánh về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc mở đường số 4 vào Khu đô thị Tây Hồ Tây đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của các hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
Sớm giải quyết quyền lợi cho người dân

Đơn của ông Trần Thuân (đại diện 37 hộ gia đình) trình bày: Từ nhu cầu nhà ở của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Xí nghiệp đường bộ 118 (tiền thân của Công ty Công trình giao thông 118), năm 1993, Ban Giám đốc Công ty đã có đơn gửi các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đề nghị cấp đất để xây dựng nhà ở cho CBCNV. Ngày 2/6/1994, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định số 1057/QÐ-UBND về việc giao quyền sử dụng 5.800m2 đất cho Công ty Công trình giao thông 118 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm.

Ngay sau khi có quyết định giao đất, Công ty Công trình giao thông 118 (gọi tắt là Công ty 118) đã ban hành quy chế về việc phân chia nhà ở cho CBCNV. Căn cứ quyết định phân phối nhà ở, 37 hộ gia đình CBCNV đã đóng góp tổng số tiền là 3.096.000.000 đồng. Ngày 24/4/1995, Công ty 118 đã nộp 2.734.600.000 đồng để nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước (Phiếu thu số 56 ngày 24/4/1995 của Cục Thuế Hà Nội). Sau đó, các hộ dân đều đã xây dựng nhà và ăn ở ổn định không xảy ra tranh chấp suốt từ năm 1995 đến nay.

Tại thời điểm đó, công ty đã có thông báo chính thức bằng văn bản và các hộ gia đình, cá nhân cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước để được nhận nhà, đất theo tiêu chuẩn và người dân đã được nhận giấy giao quyền sử dụng nhà. Sau khi nộp tiền, công ty thay mặt các hộ dân để tiến hành các thủ tục để xác định rõ tài sản thuộc CBCNV; đồng thời tách biệt khỏi tài sản của công ty. Ðến năm 2001, khi công ty tiến hành cổ phần hóa thì (Công ty cổ phần 118) cũng đã tách nhà, đất của 37 hộ ra khỏi tài sản của công ty.

Ðến ngày 18/2/2008, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Quyết định số 692/QÐ-UBND về việc thu hồi 72.927m2 đất tại xã Xuân Ðỉnh và Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, giao cho Ban Quản lý và Ðầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội để xây dựng tuyến đường số 4 vào trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây (trong quyết định này có thu hồi toàn bộ diện tích của Công ty Công trình giao thông 118 và diện tích nhà, đất của 37 hộ dân nêu trên).

Chính do đề xuất “bất thường” này của Sở TN và MT thành phố Hà Nội, cho nên ngày 7/4/2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2333/UBND-XD chấp nhận với đề nghị của liên ngành, yêu cầu: “Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, mà bồi thường cho Công ty 118”.

Phương án bồi thường, hỗ trợ về đất được tất cả hộ dân đồng thuận ủng hộ. Thế nhưng, khi dự án đang được tiến hành và 37 hộ dân đã bàn giao đất thì ngày 22/3/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thành phố Hà Nội có Văn bản số 787/TN&MT-KHTH báo cáo, kiến nghị về việc giải quyết những vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng khu đất của 37 hộ cán bộ, nhân viên công ty, trong đó đề xuất: “Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình mà bồi thường cho Công ty 118 một khu đất nằm ở vị trí khác có diện tích khoảng 4.000m2 trên địa bàn huyện Từ Liêm để công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư...”.

Chính do đề xuất “bất thường” này của Sở TN và MT thành phố Hà Nội, cho nên ngày 7/4/2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2333/UBND-XD chấp nhận với đề nghị của liên ngành, yêu cầu: “Không bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, mà bồi thường cho Công ty 118”.

Từ văn bản này của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm đã không lập riêng phương án đền bù đối với 37 hộ mà chuyển toàn bộ số tiền hơn 78 tỷ đồng được phê duyệt trước đó tại Quyết định số 692/QÐ-UBND (đáng lẽ 37 hộ dân được hưởng) vào tài khoản của Công ty 118. Hậu quả là ngay sau đó, khi Công ty 118 cổ phần hóa, Công ty cổ phần Alphanam đã mua toàn bộ cổ phần của Công ty 118, và cuối năm 2010 đổi tên thành Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng hạ tầng Alphanam. Việc đền bù sai đối tượng như nêu trên gây bức xúc cho các hộ dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài từ năm 2010 đến nay.

Trước đơn kêu cứu liên tiếp gửi các cơ quan chức năng của các hộ dân, ngày 23/3/2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1912/VPCP-KNTN gửi Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với nội dung: Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan kiểm tra nội dung khiếu nại, phản ánh của 37 hộ gia đình tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, kiến nghị biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2012.

Ðến ngày 27/4/2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1023/QÐ-TTCP quyết định thành lập đoàn thanh tra kiểm tra nội dung khiếu nại, phản ánh của các hộ gia đình là CBCNV Công ty 118 với thời hạn thanh tra 40 ngày.

Sau thời gian làm việc cùng các bộ, ngành và thanh tra toàn diện, ngày 25/2/2014, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 293/KL-TTCP kết luận: “Việc đem tiền và đất bồi thường cho Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng hạ tầng Alphanam là sai đối tượng. Việc Sở TN và MT và liên ngành xác định đối tượng nhận đền bù đất là Công ty 118 là không phù hợp quy định của pháp luật và diễn biến thực tế sử dụng đất…”.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi số tiền hơn 78 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ về đất cho Công ty 118, nay là Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng hạ tầng Alphanam (ngày 6/3/2013 đổi tên thành Công ty cổ phần Công trình Giao thông 118 MOMOTA) về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ, có tính lãi suất ngân hàng theo quy định…

Tiếp đó, ngày 21/4/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 165/TB-VPCP giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp Thanh tra Chính phủ, Bộ TN và MT, Bộ Xây dựng giải quyết khiếu nại của 37 hộ dân theo quy định, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các hộ dân và Công ty cổ phần Công trình Giao thông 118 MOMOTA; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2014.

Giao Bộ Công an điều tra làm rõ dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước, tài sản của Công ty cổ phần Công trình Giao thông 118 MOMOTA khi cổ phần hóa và việc sử dụng số tiền hơn 78 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2014.

Tiếp theo, ngày 15/6/2021, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục có Văn bản số 3959/VPCP-V.I chỉ đạo: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại kiến nghị của các hộ dân theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 21/4/2014 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 30/8/2021; Bộ Công an báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 21/4/2014 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 30/7/2021; Thanh tra Chính phủ kiểm tra trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 21/4/2014, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ sau khi có văn bản chỉ đạo lần thứ ba của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/6/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới có Thông báo số 382/TB-VP với nội dung chính chỉ đạo: “Yêu cầu Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm khẩn trương rà soát, lập, công khai và phê duyệt lại phương án bồi thường về đất cho 37 hộ dân và Công ty cổ phần Công trình Giao thông 118 MOMOTA theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận Thanh tra 293/KL-TTCP ngày 25/2/2014, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 21/4/2014..., đồng thời có thông báo yêu cầu Công ty cổ phần Công trình Giao thông 118 MOMOTA hoàn trả số tiền bồi thường, hỗ trợ trước đây để thực hiện việc chi trả theo quy định...”; Giao Thanh tra thành phố theo dõi, đôn đốc Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm thực hiện và dự thảo văn bản của Ủy ban nhân dân thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2021…

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 25/10/2021 quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức họp với các hộ dân công khai phương án dự thảo phân bổ số tiền bồi thường, hỗ trợ đất theo tỷ lệ đóng góp của các bên. Các hộ dân đã đồng ý với phương án dự thảo. Với tất cả những quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ và ban, ngành chức năng… những tưởng quyền lợi của các hộ dân sẽ được khẩn trương giải quyết, song thực tế các phương án cũng như kết quả giải quyết vẫn nằm trên giấy.

Mới đây nhất, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lại có Công văn số 1680/VP-BTCD ngày 21/2/2023 về việc đôn đốc giải quyết kiến nghị của các hộ dân với nội dung: “Yêu cầu Sở TN và MT, Thanh tra thành phố khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 823/VP-TNMT ngày 19/1/2023, liên quan nội dung nêu trên; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả trước ngày 15/3/2023”.