Ngay sau lễ khởi công ngày 21/10/2023, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và chính quyền thành phố Tuyên Quang, hai huyện Yên Sơn, Hàm Yên cùng các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai đền bù giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công, bảo đảm tiến độ dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang được chia thành ba tiểu dự án. Đoạn qua địa bàn thành phố Tuyên Quang dài là 4,8 km; qua huyện Yên Sơn 16,74 km và huyện Hàm Yên 48,16 km, do chính quyền các huyện, thành phố làm chủ đầu tư.
Người dân đồng thuận
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Tuyên Quang Trần Xuân Thiểm cho biết, tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua địa phận thành phố Tuyên Quang cần phải giải phóng mặt bằng diện tích 36,4 ha của 291 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tổng mức đầu tư được duyệt 108,56 tỷ đồng.
Đối với tuyến chính đường cao tốc, hiện vẫn còn 24 hộ chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do phát sinh diện tích đất lúa phải thu hồi bổ sung.
Đến ngày 19/7/2024, thành phố đã phê duyệt phương án bồi thường 35,26 ha của 264 hộ gia đình, cá nhân và hai tổ chức với số tiền bồi thường, hỗ trợ 81,18 tỷ đồng.
Hiện nay, các đơn vị đã đền bù, giải phóng mặt bằng được 32,75 trên tổng số 35,26 ha, đạt gần 93%; 17/27 hộ dân đã nhận đất ở khu tái định cư, số còn lại đang trong quá trình họp xét phê duyệt phương án bồi thường.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt việc quản lý đất, các hồ sơ thủ tục của người dân đúng, đủ theo quy định, ít xảy ra tranh chấp, nên cơ bản việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại địa bàn thành phố được người dân đồng thuận.
Ông TRẦN XUÂN THIỂM
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Tuyên Quang
Còn tại tiểu dự án đoạn qua địa phận qua huyện Yên Sơn và huyện Hàm Yên, khó khăn vướng mắc nhất trong giải phóng mặt bằng là tình trạng người dân xây dựng nhà ở và công trình trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, vì vậy khi xác định để áp giá bồi thường theo quy định của Nhà nước gặp nhiều trở ngại.
Gia đình bà Trần Thị Kim, ở thôn Thọ Xuân, xã Nhữ Khê (huyện Yên Sơn) đã được bồi thường gần 900 triệu đồng cho hơn 4.000 m2 đất theo quy định của Nhà nước.
Bà Kim đã nhận đủ tiền và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, tuy nhiên, bà vẫn còn một phần đất nông nghiệp nằm trong diện tích đất thu hồi, trước đó đã cho con trai xây nhà ở riêng, nhưng chưa thực hiện chuyển đổi sang đất ở, cho nên trong quá trình thẩm định, số tiền được bồi thường thấp.
Do đó, gia đình bà không nhận tiền bồi thường và muốn được hỗ trợ toàn bộ chi phí tháo dỡ, vật liệu xây dựng ngôi nhà có diện tích 26 m2 của con trai bà thì gia đình mới bàn giao mặt bằng.
Xử lý vướng mắc, sớm bàn giao mặt bằng “sạch”
Ông Trần Văn Tuyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhữ Khê (huyện Yên Sơn) cho biết, đến nay, xã vẫn còn 28 hộ và hai tổ chức chưa thống nhất nhận tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu do người dân yêu cầu phải được bồi thường những vật kiến trúc, nhà ở xây dựng trên đất mà các hộ này sử dụng không đúng mục đích.
Đơn cử, gia đình ông Trần Xuân Thủy, thôn Đồng Thắng, xã Nhữ Khê có hơn 882 m2 đất nằm trong diện tích thu hồi. Toàn bộ diện tích này là đất trồng cây hằng năm, từ năm 2006 gia đình ông đã xây nhà ở và các công trình phụ trợ trên diện tích này.
Do vậy, tổng số tiền gia đình ông Thủy được hỗ trợ kinh phí bồi thường theo quy định chỉ ở mức hơn 228 triệu đồng.
Gia đình ông đến nay vẫn chưa nhất trí nhận tiền bồi thường vì cho rằng số tiền trên là quá thấp và đề nghị chính quyền các cấp phải có phương án bồi thường tất cả tài sản gồm nhà, đất và bố trí nơi tái định cư cho ông gần với nơi ở cũ, cùng điều kiện ở khu tái định cư phải bảo đảm ổn định cuộc sống thì ông mới đồng thuận.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Yên Sơn, địa bàn huyện có tổng diện tích thu hồi dự kiến hơn 147 ha của 623 hộ gia đình, cá nhân và sáu tổ chức.
Đến hết tháng 6, đã có quyết định thu hồi gần 134 ha đất của hơn 570 hộ gia đình, cá nhân, còn gần 50 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức chưa nhận tiền bồi thường dẫn đến việc chưa có mặt bằng sạch để bàn giao.
Huyện Hàm Yên hiện gặp nhiều vướng mắc nhất trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Yên Sơn, địa bàn huyện có tổng diện tích thu hồi dự kiến hơn 147 ha của 623 hộ gia đình, cá nhân và sáu tổ chức. Đến hết tháng 6, đã có quyết định thu hồi gần 134 ha đất của hơn 570 hộ gia đình, cá nhân, còn gần 50 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức chưa nhận tiền bồi thường dẫn đến việc chưa có mặt bằng sạch để bàn giao.
Đến ngày 16/7, trên địa bàn huyện có 1.253 trên tổng số 1.410 hộ nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng được 34,5 trên tổng số hơn 48 km.
Hiện 157 hộ trên địa bàn chưa nhận kinh phí bồi thường do vướng mắc liên quan đến đất trồng lúa, đất lâm nghiệp chưa được phê duyệt phương án bồi thường. Huyện đã lên phương án thực hiện 19 khu di dân, tái định cư ở các xã và đã có 320/328 hộ nhận tiền bồi thường tái định cư.
Ông Đỗ Đức Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết, những diện tích phát sinh liên quan đến đất lâm nghiệp, huyện đang rốt ráo giải quyết, tiếp nhận hồ sơ danh sách xác nhận nguồn gốc sử dụng đất để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến xem xét, đưa ra phương án xử lý.
Đối với 69 hộ dân đang làm nhà trên đất nông nghiệp trước năm 2014, huyện sẽ rà soát, xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định.
Qua đối chiếu, trên địa bàn huyện còn thiếu khoảng 16,5 ha đất trồng lúa chưa được phê duyệt chuyển mục đích, huyện sẽ tiếp tục có ý kiến với chủ đầu tư và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt bổ sung chuyển mục đích đất trồng lúa.
Cùng những khó khăn đã nêu, hiện nay, nhiều khu di dân tái định cư của dự án chưa hoàn thiện mặt bằng hoặc đã có mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng điện, đường, cống thoát nước,… nên người dân không thể di chuyển đến nơi ở mới, dẫn đến việc không thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đơn cử, khu tái định cư thôn Phù Hương, xã Bạch Xa (huyện Hàm Yên) theo kế hoạch phải bàn giao mặt bằng trong tháng 7. Tuy nhiên, đến hết tháng 7, theo ghi nhận tại khu vực vẫn còn ngổn ngang đất đá cần phải di chuyển, khối lượng công việc phải hoàn thành rất lớn, bị “lỡ hẹn” tiến độ bàn giao đề ra.
Đoạn tuyến từ Km67+880-Km77 dài hơn 9 km qua 2 xã Bạch Xa và Minh Khương (huyện Hàm Yên) do Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư 122 Vĩnh Thịnh đảm nhận thi công.
Anh Nguyễn Văn Đan, đại diện công ty cho biết, tuy đơn vị đã được bàn giao 7 km trên tổng số 9 km chiều dài tuyến, nhưng mặt bằng được bàn giao không liền mạch, ở dạng “xôi đỗ, bàn cờ”, nên rất khó thi công.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay, các đơn vị đã bàn giao mặt bằng thi công đạt gần 80% tiến độ, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng vào cuối tháng 9/2024.
Tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các tổ công tác nhằm tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho dự án, tập trung ưu tiên các vị trí điểm nghẽn trong thi công.
Định kỳ hằng tháng, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức họp với các chủ đầu tư và các sở, ngành có liên quan, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện để kịp thời chỉ đạo, xử lý, thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng và thi công dự án, phấn đấu đưa dự án “về đích” đúng mục tiêu kế hoạch.