Vướng mặt bằng, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang thi công cầm chừng

NDO - Nhiều công trình cầu trên tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đang bị gặp vướng mắc, mặt bằng bàn giao dạng “xôi đỗ” khiến nhà thầu chỉ thi công cầm chừng.
0:00 / 0:00
0:00
Tại công trình cầu Hàm Yên, đến nay 2 trụ cầu đã vượt khỏi mặt nước.
Tại công trình cầu Hàm Yên, đến nay 2 trụ cầu đã vượt khỏi mặt nước.

Một số máy móc, thiết bị đã được huy động đến công trường đành phải “đắp chiếu”, gây nguy cơ lãng phí và ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án.

Mặt bằng “cản” thi công

Dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang có tổng chiều dài gần 105km, quy mô hai làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, sử dụng khoảng 643ha.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Riêng đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài 77 km, mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 4.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.300 tỷ đồng.

Gói thầu XL24 thuộc dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang có khối lượng thi công 22 cầu, trị giá khoảng 736 tỷ đồng, công địa thi công trải dài trên toàn tuyến. Gói thầu do liên danh Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm triển khai 20 cầu (trị giá 626,3 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 75 triển khai 2 cầu (109,7 tỷ đồng).

Giai đoạn 1, dự án có quy mô thiết kế 2 làn xe cơ giới, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Trên tuyến, thiết kế 7 nút giao liên thông và 3 nút giao bằng; xây dựng 22 cầu, trong đó 16 cầu trên đường cao tốc, 5 cầu trên nhánh nút giao liên thông vượt đường cao tốc và 1 cầu vượt trên đường ngang vượt đường cao tốc, cùng với xây 91 hầm chui trên tuyến chính. Đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang được chia thành 6 gói thầu xây lắp (từ gói XL19 đến XL24).

Vướng mặt bằng, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang thi công cầm chừng ảnh 1

Tại công trường cầu Hàm Yên, nhà thầu huy động hơn 60 công nhân kết hợp với dàn máy móc chuyên dụng thi công cọc khoan nhồi, bệ trụ, đúc dầm…

Điểm khác biệt của dự án này so với các dự án đường cao tốc đang triển khai khác là các cầu trên tuyến được gộp vào 1 gói thầu. Theo đó, gói thầu XL24 có khối lượng thi công 22 cầu, trị giá khoảng 736 tỷ đồng, công địa thi công trải dài trên toàn tuyến. Gói thầu do liên danh Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm triển khai 20 cầu (trị giá 626,3 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 75 triển khai 2 cầu (109,7 tỷ đồng).

Từ quốc lộ 2 đi vào xã Tân Thành (huyện Hàm Yên) chừng gần 5 km, chúng tôi đến khu vực thi công cầu Hàm Yên vượt sông Lô dài hơn 340 m với 7 nhịp đúc hẫng, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, là cây cầu có quy mô lớn nhất dự án đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Tập đoàn Đèo Cả bố trí nhân lực và máy móc, chia thành 7 mũi thi công (6 mũi thi công trụ cầu và 1 mũi thi công đúc dầm). Tại công trường, nhà thầu huy động hơn 60 công nhân kết hợp với dàn máy móc chuyên dụng thi công cọc khoan nhồi, bệ trụ, đúc dầm… đến nay đã có 2 trụ cầu ngoi lên khỏi mặt nước.

Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL-24 (Tập đoàn Đèo Cả) thuộc dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1 cho biết, tại cầu Hàm Yên, nhà thầu đang tập trung tối đa công nhân cùng máy móc, thiết bị, vật liệu, làm việc “3 ca, 4 kíp” tổ chức thi công bệ và thân trụ, cọc khoan nhồi, đúc dầm trên bãi,…

“Sản lượng của cầu Hàm Yên đến nay đã đạt 12%, Tập đoàn Đèo Cả phấn đấu hợp long cầu Hàm Yên vào dịp Tết Nguyên đán và hoàn thành ngày 30/4/2025, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch đề ra”, ông Tranh nói.

Vướng mặt bằng, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang thi công cầm chừng ảnh 3

Nhà thầu phấn đấu hợp long cầu Hàm Yên vào dịp Tết Nguyên đán và hoàn thành ngày 30/4/2025, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.

Hiện tại, có 10 trên tổng số 20 cầu thuộc phạm vi thi công của nhà thầu đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng đạt 50% gồm các cầu: Mỹ Lâm, Đức Ninh, Ngòi Là 2, Khe Lãnh, Ơ Rô, Ngòi Lũ, cầu vượt quốc lộ 37 tại km12+450, cầu trên nhánh nút giao quốc lộ 3B (Km34+631), cầu vượt ĐT.189 (Km69+672,89), cầu trên nhánh nút giao Bạch Xa (Km70+949.58). Ngoài ra, chủ đầu tư đã bàn giao phần dưới nước cầu Hàm Yên và cầu Vĩnh Tuy (Km76+798,74) đạt 100%.

Phấn đấu hoàn thành 20 cầu trong năm 2025

Tại cầu cạn ở vị trí Km48+310,5, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã hoàn thiện khoan cọc nhồi, đổ bê tông bẹ trụ T1, T2 và hoàn thiện bãi đúc dầm. Tuy vậy, các trụ cầu kế bên vẫn chưa thể thi công do vướng mặt bằng đất rừng. Công địa thi công tuy tập trung rất nhiều máy móc, nhân sự nhưng thực địa khá trầm lắng, chỉ có một vài máy móc hoạt động, mấy công nhân tiến hành gia công thép, khoan cọc nhồi của 2 trụ và bệ trụ, còn lại số lượng lớn máy móc, thiết bị đang trong cảnh "đắp chiếu".

Vướng mặt bằng, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang thi công cầm chừng ảnh 4

Tại cầu cạn Km48+310,5, công nhân tiến hành gia công thép, khoan cọc nhồi của 2 trụ và bệ trụ, còn lại số lượng lớn máy móc, thiết bị đang trong cảnh "đắp chiếu".

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Chỉ huy phó gói thầu XL24 tỏ ra rất lo lắng: "Chúng tôi đã tập kết số lượng lớn máy móc, thiết bị và nhân sự để tổ chức thi công cầu cạn Km48 nhưng hiện tại, chính quyền địa phương vẫn chưa bàn giao nốt phần mặt bằng còn lại nên nhà thầu chưa thể tổ chức thi công các hạng mục mố M1, M2 và các trụ T1, T4, T5. Máy móc huy động về đành phải 'đắp chiếu', anh em công nhân “đói việc”, khiến nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn".

Chủ đầu tư và chính quyền địa phương phối hợp rất chặt chẽ, theo lịch mỗi tháng họp một lần và có kế hoạch bàn giao mặt bằng thi công theo từng đợt. Tuy nhiên, các mốc bàn giao thường bị trượt tiến độ, đặc biệt, một số cầu dù đã nhận mặt bằng nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công".

Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL-24

Theo đánh giá của ông Lê Đức Tranh, trong quá trình triển khai một số cầu, đơn vị thi công đã gặp khó khăn, vướng mắc về đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công. Cụ thể, đường tiếp cận khó khăn như cầu Mỹ Lâm, Đức Ninh, cầu trên nhánh nút giao quốc lộ 3B tại Km34+631;… Nhiều cầu nhỏ trải dài trên tuyến, theo phương án thiết kế được duyệt có đường công vụ dọc theo tuyến chính (phần nhà thầu thi công đường thực hiện) nên nhà thầu thi công cầu không thể chủ động thực hiện và sửa chữa đường công vụ trong quá trình triển khai.

Vướng mặt bằng, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang thi công cầm chừng ảnh 5

Mặc dù vướng mặt bằng tại gói thầu XL-24, nhưng Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 160 công nhân, thợ lái máy, lao động phổ thông, 30 cán bộ kỹ thuật nhân sự quản lý trên 11 cầu với 120 máy móc thiết bị.

Lấy thí dụ cụ thể tại công trình cầu Hàm Yên có quy mô lớn nhất gói thầu, theo ông Tranh, cầu Hàm Yên khởi công từ cuối tháng 10/2023, tuy nhiên, đến ngày 15/1 vừa qua, nhà thầu mới nhận bàn giao một phần mặt bằng từ phía địa phương, nhưng không liền lạc, ở dạng “xôi đỗ” nên việc thi công, bố trí phương tiện, nhân lực gặp nhiều khó khăn.

“Chủ đầu tư và chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, theo lịch mỗi tháng họp 1 lần và đưa ra kế hoạch bàn giao mặt bằng thi công theo từng đợt. Tuy nhiên, các mốc bàn giao thường bị trượt tiến độ. Đặc biệt, một số cầu dù đã nhận mặt bằng nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công, điển hình như cầu Mỹ Lâm, Đức Ninh,… khiến tiến độ thi công bị cản trở. Sau khoảng 4 tháng thi công, sản lượng toàn gói thầu XL-24 chỉ đạt khoảng 5% do mặt bằng mới bàn giao được 50%, đường công vụ tiếp cận còn khó khăn, dẫn đến việc thi công còn gặp nhiều trở ngại,” ông Tranh đánh giá.

Mặc dù vướng mặt bằng tại gói thầu XL-24, nhưng Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 160 công nhân, thợ lái máy, lao động phổ thông, 30 cán bộ kỹ thuật nhân sự quản lý trên 11 cầu với 120 máy móc thiết bị. Số lượng máy móc nhân sự sẽ tăng khi chủ đầu tư bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đang nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân để đẩy nhanh tốc độ đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao công địa. Nhà thầu cam kết sẽ thi công hoàn thành đúng kế hoạch toàn bộ 20 cầu của dự án trong năm 2025.

Vướng mặt bằng, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang thi công cầm chừng ảnh 7

Nhà thầu kiến nghị chính quyền địa phương các cấp đẩy nhanh tốc độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để bố trí máy móc thiết bị, triển khai đồng loạt các hạng mục, đáp ứng tiến độ dự án.

Đối với các cầu đã được bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã phối hợp với nhà thầu bàn giao mặt bằng sạch thi công 10/22 cầu trên tuyến và cùng chính quyền địa phương thuyết phục người dân cho mượn đường tiếp cận, mặt bằng thi công để lên kế hoạch, phương án thi công và lập tiến độ triển khai chi tiết cho các cầu phù hợp tiến độ chung của gói thầu đảm bảo tiến độ dự án. Với các cầu chưa được bàn giao mặt bằng, nhà thầu kiến nghị Ban Quản lý dự án phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy nhanh tốc độ bàn giao cho nhà thầu, bố trí máy móc thiết bị, triển khai đồng loạt tại các hạng mục, đáp ứng tiến độ dự án.

Theo nhận định của một chuyên gia cầu đường, việc chủ đầu tư tách riêng hạng mục cầu nhỏ với phần đường thành các gói thầu khác nhau, sẽ tạo ra bất cập cho nhà thầu thi công cầu vì không chủ động được đường công vụ dọc tuyến. Đơn cử, nếu nhà thầu thi công đường chưa triển khai mà nhà thầu thi công cầu đã tiến hành thì nhà thầu làm cầu lại phải làm riêng đường công vụ để tiếp cận công trường, lập bãi đúc riêng, đầu tư trạm trộn bê tông riêng,… Chỉ làm một hạng mục cầu nhỏ, nhà thầu sẽ mất rất nhiều thời gian và lãng phí tiền của.