Nhiều ca mắc sốt xuất huyết nặng
Nằm viện ngày thứ 6, tiểu cầu của anh Triệu Quang T. (Hà Đông, Hà Nội) vẫn ở ngưỡng 16. "Tôi bị sốt xuất huyết lần 2 nhưng lần này mệt và nặng hơn lần trước rất nhiều, sức khỏe sa sút nhanh. 6 ngày rồi dù hết sốt nhưng chỉ số tiểu cầu vẫn ở mức nguy hiểm", anh T. kể.
Tình trạng mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng cũng là câu chuyện xảy ra với anh Phạm Quang G. (Khu đô thị Vinhome Smart City). Sốt xuất huyết ngày thứ 3, cơ thể mệt mỏi không thể kháng cự được, anh được nhập viện. Lúc này, tiểu cầu xuống dưới 10 và anh đã có biến chứng tràn dịch ổ bụng. "May mắn nhập viện kịp thời nếu không sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra", anh G. nói.
Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở Hà Nội. Từ tháng 10 trở lại đây, Bệnh viện Thanh Nhàn liên tục tiếp nhận bệnh nhân đến khám do sốt xuất huyết. Lũy tiến đến nay bệnh viện tiếp nhận 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, thời điểm hiện tại có 250 ca bệnh nội trú.
Bệnh nhân quá tải, nhiều khoa phòng được huy động để tiếp nhận ca mắc mới. Chỉ tính riêng đơn nguyên chống dịch của bệnh viện hiện đã có tới 100 bệnh nhân. Đáng nói, tỷ lệ ca nặng đến rất nặng hiện nay tăng cao đáng kể.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thông thường các ca mắc sốt xuất huyết 3 ngày đầu chỉ sốt thôi, nhưng năm nay có những ca chỉ mới mắc 1 ngày vào viện cũng đã bị giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận. Tỷ lệ này năm nay chiếm tới 30-40%.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, đều ở mức độ nặng hoặc cảnh báo nặng với các dấu hiệu như nôn, buồn nôn, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Gia tăng bệnh nhân khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. |
Theo các bác sĩ, năm nay, số trẻ thừa cân béo phì, mắc sốt xuất huyết tăng với gần 10 em nhập viện, trong khi cùng kỳ các năm chỉ 1-2 trường hợp trong khi béo phì là yếu tố tiên lượng nặng khi mắc sốt xuất huyết.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Cả hai đều là nam giới còn trẻ, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển lên từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai bệnh nhân đã sốc, vật vã.
Hà Nội ứng phó với sốt xuất huyết
Theo số liệu giám sát trong vòng 5 năm trở lại đây (từ 2017-2021) trung bình mỗi năm, Hà Nội ghi nhận khoảng 12.900 trường hợp mắc bệnh, năm có dịch với số mắc cao là 2017 với 35.665 trường hợp, năm 2019 với 12.225 trường hợp.
Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc, số mắc tương đương năm 2019, cao vượt ngưỡng nguy cơ dịch so với số mắc trung bình trong 3 năm từ 2019-2021 nhưng vẫn thấp hơn số mắc năm 2017 (là năm có dịch sốt xuất huyết bùng phát).
Số mắc 4 tuần gần đây dao động từ 1.200-1.300 ca mắc/tuần. Bệnh nhân tập trung tại một số xã, phường thuộc một số quận, huyện như: Thanh Oai, Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoàng Mai.
Theo ông Vũ Duy Hưng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, ngành y tế đang phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp để triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Theo báo cáo của các bệnh viện, số người bệnh mắc sốt xuất huyết phải nằm điều trị nội trú tại các bệnh viện tính đến thời điểm hiện tại khoảng hơn 1.400 người bệnh. Trong đó số ca có diễn biến có triệu chứng nặng chiếm khoảng 5% (70-80 ca).
Do đó, ông Hưng cho biết, năng lực điều trị của các bệnh viện vẫn đáp ứng được nhu cầu của người bệnh (hơn 1.300 giường bệnh hồi sức cấp cứu trên toàn bộ địa bàn thành phố).
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo 4 bệnh viện đa khoa hạng I, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa) tổ chức các buổi đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế trong toàn hệ thống y tế thành phố (bao gồm các đơn vị công lập và ngoài công lập) về phác đồ chẩn đoán, điều trị người bệnh sốt xuất huyết để các đơn vị nâng cao năng lực, chủ động được trong các tình huống dịch nếu có bùng phát.
Các bệnh viện này sẽ phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tổ chức 1 buổi bình bệnh án đối với một số người bệnh sốt xuất huyết tử vong. Phân tích, đánh giá các nguy cơ; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng.
Đồng thời có hướng dẫn, khuyến nghị nhân viên y tế các trường hợp tiếp nhận người bệnh nhập viện kịp thời.
Các bệnh viện cũng tư vấn cho người bệnh nhẹ tự theo dõi tại nhà, không gây tình trạng quá tải bệnh viện.
Hiện nay, Sở Y tế chưa ghi nhận việc các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, dịch truyền, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị.
"Sở Y tế Hà Nội đã thiết lập hệ thống báo cáo công tác điều trị đối với người bệnh Covid-19, người bệnh sốt xuất huyết hàng ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh. Kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình người bệnh và các khó khăn vướng mắc của đơn vị để chỉ đạo giải quyết kịp thời", ông Hưng nói.
Đang là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, dự báo dịch có thể tiếp tục gia tăng trong tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12. Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hằng năm tại Hà Nội nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh.
Vì thế, hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt loăng quăng, bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng, chống sốt xuất huyết.