Hiện nay, diễn biến của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh phức tạp và khó lường. Toàn tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn lây lan…
Theo Sở Y tế Phú Yên, tính đến tuần 45/2022, toàn tỉnh ghi nhận 3.704 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 5,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là huyện Tuy An 1.101 ca, tăng 17,7 lần; huyện Phú Hòa 533 ca tăng 3 lần; thành phố Tuy Hòa 495 ca, tăng 4,6 lần; Sơn Hòa 305 ca tăng 24,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, vượt qua giai đoạn trung bình 5 năm 2017-2021, báo hiệu tình hình sốt xuất huyết những tháng cuối năm có diễn biến phức tạp, tăng cả số ca mắc và số ổ dịch và không loại trừ các ca bệnh nguy hiểm.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân diệt bọ gậy, phòng chống dịch sốt xuất huyết. |
Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành y tế phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống, tránh phát sinh thêm các ổ dịch và các ca mắc mới; đồng thời hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Bác sĩ Phan Dinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Tuy Hòa cho biết: “Chúng tôi đã ráo riết chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt là công tác xử lý hóa chất tại các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn để hạn chế lây lan và bùng phát thành dịch….”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên, hiện nay, đang có 4 type virus sốt xuất huyết lưu hành và bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều type. Hơn nữa, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng ngừa, vì vậy, việc phòng chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây bệnh. Thế nhưng, ý thức tự phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của người dân còn chưa cao, trông chờ và ỷ lại vào công tác phun và xử lý hóa chất của ngành y tế hoặc còn chủ quan khi tự ý điều trị tại nhà và dễ gặp biến chứng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên: “Khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi… thì chúng ta phải chú ý theo dõi các dấu hiệu về giấc ngủ của trẻ, đặc biệt là vào những ngày thứ 4, thứ 5 của chu kỳ…”.
Tại Phú Yên, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng vừa phối hợp Công ty Cổ phần Mai Sen tổ chức ngày hội “Chung tay phòng, chống sốt xuất huyết an toàn và hiệu quả, bảo vệ sức khỏe gia đình” với sự tham gia của hơn 100 chị em cán bộ, hội viên phụ nữ, nhằm trang bị kiến thức về giáo dục sức khỏe cho mỗi gia đình.
Cũng tại ngày hội này, các cán bộ hội viên được cập nhật kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, trong đó nhấn mạnh vai trò của gia đình, cộng đồng trong phòng ngừa lây nhiễm bệnh cũng như điều trị đúng cách để bảo đảm an toàn sức khỏe. Thời gian qua, hội phụ nữ cơ sở thường xuyên phối hợp ngành y tế trong tuyên truyền diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn phòng chống sốt xuất huyết. Nhìn chung, đa số chị em cán bộ, hội viên phụ nữ đã rất ý thức trong phòng chống dịch bệnh tại gia đình.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương hiệu quả, vai trò chính là ở người dân tại cộng đồng.
Bà Thiều Thị Tâm, phường 7, thành phố Tuy Hòa bày tỏ: “Biết được dịch sốt xuất huyết đang lưu hành và nhiều người mắc nên gia đình tôi đã chủ động quét dọn những nơi nước mưa còn đọng lại quanh nhà, đổ bỏ những chai lọ đựng nước… Tôi nghĩ, mọi người ai cũng chăm chỉ dọn dẹp vệ sinh vườn nhà, chủ động xử lý nước đọng, nuôi cá ăn bọ gậy. Tối ngủ mắc màn… không để môi trường cho muỗi phát sinh thì sẽ hạn chế được dịch bệnh sốt xuất huyết”.
Cán bộ phòng dịch phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết tại thôn Phú Tân, An Cư, huyện Tuy An, Phú Yên. |
Theo bác sĩ Huỳnh Lê Xuân Bích, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, thời gian qua, phong trào dọn vệ sinh, làm sạch môi trường, diệt bọ gậy diệt muỗi tránh lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết được phát động từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Mong rằng, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi địa phương chủ động dọn vệ sinh, làm sạch trong nhà mình, làm sạch cảnh quan môi trường chung quanh, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, không có dụng cụ chứa nước, không có ổ bọ gậy, không có muỗi thì sẽ không có dịch bệnh sốt xuất huyết lây lan.
Tuy nhiên hiện nay nhận thức, ý thức về công tác phòng, chống sốt xuất huyết của đại bộ phận người dân vẫn chưa được nâng cao, chưa tự giác, cộng với thời tiết giao mùa hay mưa, nên dự báo dịch bệnh từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục tăng. Do vậy, ngành y tế đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phối hợp các địa phương và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại các địa phương, các ban ngành, đoàn thể tiếp tục các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết có hiệu quả, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng…
Từ nay đến cuối năm, ngành y tế tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, điều tra côn trùng định kỳ hằng tháng tại các xã trọng điểm. Tăng cường hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng, chống muỗi đốt, và vận động người dân tham gia diệt lăng quăng/bọ gậy.
Ngành y tế Phú Yên đã nhiều lần cảnh báo, bệnh sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm, khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh trường hợp để bệnh chuyển biến xấu rồi mới đến cơ sở y tế.