Triệt để chống sốt xuất huyết

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 112 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp. Riêng tại Hà Nội đã ghi nhận 800 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 139 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện.
0:00 / 0:00
0:00
Dọn dẹp vệ sinh môi trường tại cụm dân cư. Ảnh: QUAN HOA
Dọn dẹp vệ sinh môi trường tại cụm dân cư. Ảnh: QUAN HOA

Số ca nặng nhiều hơn mọi năm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là D1 và D2 và D4. Theo dự báo của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang hiện điều trị cho 150 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca diễn biến nặng, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, năm nay, sốt xuất huyết nặng hơn mọi năm và gần 50% số bệnh nhân nhập viện có các dấu hiệu cảnh báo trở lên, như: Đau bụng dữ dội, chảy máu lợi, nôn ra máu, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, tiểu cầu giảm sâu… Sốt xuất huyết có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có giảm tiểu cầu, thường xảy ra từ ngày thứ tư đến thứ bảy của bệnh (giai đoạn nguy hiểm).

Theo Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, do dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, nên nhu cầu truyền tiểu cầu cao hơn từ hai đến ba lần so với bình thường. Tính đến cuối tháng 10/2022, viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến ba lần). Lượng tiểu cầu này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hoạt động chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát phát hiện ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng do phát hiện bệnh muộn. Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

“Tại các địa phương, cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành Y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

Triệt để chống sốt xuất huyết ảnh 1

Phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: NGUYỆT ANH

Chuẩn bị tốt nhất việc điều trị người bệnh

Theo dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết. Đối với các bệnh viện, ngành y tế đã thực hiện phân luồng, phân tuyến để phù hợp với mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc… trong thu dung, điều trị người bệnh.

Tại một số bệnh viện trực thuộc ngành y tế Hà Nội, như: Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba… đều đã chuẩn bị đầy đủ các dịch truyền, thuốc men, trang thiết bị máy móc, phòng ốc để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường khẳng định, hiện bệnh viện đáp ứng đủ thuốc, dịch truyền, dung dịch cao phân tử… điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh viện cũng đã có kế hoạch dự phòng, sẵn sàng đáp ứng với trường hợp số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng lên.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ, phải đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chủ động, quyết liệt, tập trung xử lý các ổ dịch không để lan rộng, kéo dài; phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để, thực chất, ngăn chặn đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng tử vong.

Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn quản lý… Huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy hằng tuần, nhất là tại các khu vực có ổ dịch. Bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát.