Khi kỳ tuyển sinh đại học kết thúc, sinh viên các nơi sẽ bắt đầu tập trung về các thành phố lớn để học tập. Xa gia đình, bắt đầu sống tự lập là một thách thức không nhỏ với phần lớn sinh viên. Bên cạnh áp lực bài vở, trường lớp, sinh viên còn phải đối mặt nhiều khó khăn của cuộc sống mới như quản lý chi tiêu cá nhân, tự lập trong sinh hoạt, và nhất là phải tìm được chỗ ở ổn định với giá cả phải chăng giữa thời điểm giá phòng trọ tại các thành phố lớn tăng chóng mặt.
Phạm Thị Nhung, sinh viên Trường đại học Văn hóa mới lên Hà Nội học hai năm, nhưng đã phải chuyển trọ đến bốn lần. Những nơi Nhung từng ở đều gặp nhiều vấn đề khác nhau. Có nhà thì không gian chật hẹp, không thoải mái; có nhà thì cơ sở vật chất không bảo đảm, bị xuống cấp. Giá thuê phòng cũng tăng dần theo thời gian. Dù đã ở ghép với hai bạn nữa, nhưng mỗi tháng, Nhung phải chi đến hai triệu đồng cho chi phí thuê phòng và các chi phí khác tại nơi ở.
Có thể thấy, dù giá bất động sản đã qua cơn sốt, nhưng thị trường cho thuê nhà trọ chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, chưa kể các chi phí điện, nước, internet rất tốn kém. Lan Khuê, sinh viên thuê trọ tại quận Cầu Giấy cho biết, em thuê trọ tại tầng năm của một tòa nhà không thang máy. Chủ nhà trọ thu 4.000 đồng một số điện; 35.000 đồng/m3 nước; 100.000 đồng tiền internet dù em phải tự mua cục phát wifi; 80.000 đồng phí dịch vụ mà không có thang máy hay máy giặt, chỉ đổ rác chung và sử dụng đèn cầu thang. Vì chi phí khá cao nên nhiều ngày hè oi nóng, Lan Khuê vẫn chỉ dùng quạt, không bật điều hòa nhằm tiết kiệm tiền điện. Khó khăn như vậy, nhưng do phòng trọ gần trường học nên em vẫn chấp nhận tiếp tục ở đây.
Lựa chọn thuê một phòng trọ rộng 30 m2 ở khu vực quận Cầu Giấy, Nguyễn Đức Anh, sinh viên năm cuối ngành Biên dịch ngôn ngữ Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, dù chi phí chỗ ở, sinh hoạt có đắt hơn mặt bằng chung, nhưng nhà trọ hiện tại của em khá đầy đủ tiện nghi, gần trường học và nơi làm thêm. Nhà trọ của Đức Anh đã trang bị thêm những bộ đèn báo khói, bố trí thêm bình chữa cháy ở các tầng để mọi người yên tâm hơn. Chủ nhà trọ cũng yêu cầu mỗi người phải trang bị thêm một chiếc mặt nạ phòng độc. Đức Anh cho biết thêm, giá của những chiếc mặt nạ phòng độc khoảng 500.000 đồng một chiếc. Tuy vậy, chủ trọ cam kết sẽ trả lại 500.000 đồng và lấy lại mặt nạ với điều kiện mặt nạ còn nguyên tem mác, niêm phong đầy đủ khi kết thúc hợp đồng thuê phòng.
Đáng chú ý, phần lớn các khu nhà trọ khác lại ít quan tâm đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy. Theo quan sát của phóng viên, một số chủ trọ có trang bị bình xịt cứu hỏa theo kiểu "cho có", như chỉ đặt một bình ở tầng 1, nhưng các tầng khác thì không có. Mặc dù vậy, do ngân sách eo hẹp, cho nên các em sinh viên vẫn chấp nhận sinh sống tại những khu nhà trọ như vậy dù luôn nơm nớp lo sợ. Sau nhiều sự cố cháy nổ trên địa bàn Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn việc bảo đảm an toàn cháy nổ cho người thuê trọ.
Trước thềm năm học mới, sinh viên các tỉnh thuê trọ tại Hà Nội đang đối mặt với không ít khó khăn về chỗ ở. Hy vọng rằng các em có thể tìm được những lựa chọn phù hợp với túi tiền cũng như nhu cầu cá nhân, bảo đảm an toàn trong quá trình sinh sống để chuyên tâm học tập và làm việc.