Siết chặt quản lý chất lượng nông sản

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, khiến người tiêu dùng lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất rau an toàn tại huyện Đông Anh.
Sản xuất rau an toàn tại huyện Đông Anh.

Thực hiện cơ cấu lại cây trồng, nâng cao giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, những năm qua, thành phố Hà Nội đã chuyển đổi hơn 40.230ha đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hình thành hơn 100 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh, 3.150 trang trại chăn nuôi; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp ngày càng chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cùng với đó, thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Hà Nội chuyển dần sang tiếp nhận bản tự công bố chất lượng sản phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, như dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… vẫn xảy ra.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, trong mười tháng năm 2022, đơn vị đã lấy mẫu, kiểm định 1.355 mẫu sản phẩm nông nghiệp. Kết quả, có gần 1.270 mẫu đạt yêu cầu, tương đương hơn 93%, nhưng vẫn còn 86 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm... Đáng chú ý, qua hoạt động kiểm soát, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã yêu cầu tiêu hủy hơn ba tấn sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chi cục đã cảnh báo kịp thời cho các đơn vị để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 20 mẫu sản phẩm tự công bố an toàn thực phẩm, phát hiện ba mẫu sử dụng phụ gia vượt mức giới hạn tối đa cho phép; xử phạt đơn vị vi phạm.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, nguyên nhân vi phạm an toàn thực phẩm phần lớn do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Số lượng cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản của Hà Nội tuy có nhiều, nhưng quy mô nhỏ lẻ, công nghệ chưa hiện đại. Đặc biệt, ý thức của người kinh doanh chưa cao, vẫn còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng bỏ qua các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Sở sẽ tham mưu thành phố tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng, đẩy mạnh sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chu Phú Mỹ cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, các địa phương cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Từ đó thay đổi hành vi của cá nhân, tập thể trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ngành nông nghiệp chủ động hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở thuộc phạm vi quản lý của quận, huyện, thị xã ■