Chiều 10/8, báo cáo tại phiên họp giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh việc thực hiện sắp xếp, nâng cao hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Quốc Thanh cho biết, so trước khi sắp xếp, toàn tỉnh giảm được 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.
Ông Nguyễn Quốc Thanh được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền báo cáo tại phiên họp giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau vào chiều 10/8. |
Tuy nhiên, khi sáp nhập, cơ sở vật chất tại 3 cơ sở đào tạo cấp huyện là Năm Căn, Cái Nước và Trần Văn Thời hầu như không sử dụng. Một số thiết bị tuy còn sử dụng được nhưng cơ sở không mở được lớp đào tạo.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, yếu kém, như: Quy mô giáo dục nghề nghiệp nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp; nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn chi cho hoạt động thường xuyên chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới...
Trước đó vào giữa tháng 8/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành quyết định số 1576/QĐ-UBND về việc sắp xếp trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.
Tại thời điểm trước khi sắp xếp, toàn tỉnh có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện); 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập (2 trung tâm đào tạo lái xe và 2 cơ sở đào tạo khác có tham gia đào tạo nghề).
Thực hiện chỉ đạo trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, sau khi sắp xếp, toàn tỉnh này còn 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; 5 cơ sở hoạt động ngoài công lập. So trước khi sắp xếp, Cà Mau giảm được 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện nhưng tăng 1 doanh nghiệp có hoạt động đào tạo nghề.
Được biết, sau khi giải thể 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhân sự các trung tâm dôi dư 117 người. Số nhân sự trên sau đó có 12 trường hợp được chuyển về trường phổ thông làm giáo viên, 14 trường hợp khác được giữ lại địa phương để sắp xếp bố trí công việc khác, 18 trường hợp được tiếp nhận về Trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc tại Cà Mau. Số còn lại, có 8 trường hợp chấm dứt hợp đồng, 65 trường hợp khác nghỉ việc.