Nan giải những bãi rác tự phát

Tình trạng tồn đọng rác đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các khối rác hỗn độn xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường làm mất mỹ quan đô thị. Hạn chế trong ý thức người dân và việc chậm xử lý của các đơn vị chức năng đang gia tăng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường do các bãi rác gây ra.
Rác thải xuất hiện ở rất nhiều nơi gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
Rác thải xuất hiện ở rất nhiều nơi gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.

Ngổn ngang trên đường, ngoài ngõ

Trên nhiều tuyến đường thuộc thành phố được ghi nhận có rác thải ở nhiều mức độ. Những chiếc túi nylon, cốc nhựa, ống hút... nằm la liệt trên lề đường. Các bãi rác tự phát do đổ trộm xuất hiện ngày càng nhiều, ở ven đường, kênh, hay những bãi đất trống chưa có hoạt động xây dựng. Điểm dừng chờ xe bus cũng trở thành nơi vứt rác của nghiều người. Rác thải ở những cây cầu đi bộ cũng gia tăng do người dân qua cầu, đi bộ hoặc tụ tập sau giờ làm việc với những lon nước, vỏ bim bim, hộp sữa..., sau đó vứt bỏ trên cầu, gầm cầu.

Bà Lưu Thị Thu (63 tuổi, ở Nguyễn Trãi, phường Trung Văn, Nam Từ Liêm) cho biết, trước kia người dân ở đây thường đem rác ra bỏ đúng giờ khi lao công đến thu gom. Nhưng giờ thì rác khắp nơi, từ trong ngõ ra tới đầu đường. Người đi đường tiện tay cũng vứt xuống. Người dân tại khu vực cũng cho biết, mỗi khi trời mưa, lượng rác thải nhiều hơn so bình thường, bốc mùi hôi thối, các hộ dân ở đây rất khó chịu.

Tại ngõ 135, phố Bồ Đề, Long Biên đã hình thành chợ cóc từ nhiều năm về trước. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đào Huy Tân (50 tuổi) cho biết: Trước nơi này chỉ có một số sạp nhỏ của các hộ dân buôn bán thực phẩm, hoa quả nhưng sau này hình thành chợ cóc, không bảo đảm vệ sinh môi trường, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Mà bên cạnh chợ còn là một bãi rác.

Anh Nguyễn Đức Huy (30 tuổi - nhân viên thu dọn rác trên địa bàn) mỗi ngày phải đi lại rất nhiều lần trên khu phố này để thu gom rác thải, mặc dù đã có thông báo về việc thu dọn rác theo giờ nhưng nhiều người dân vẫn không thực hiện theo. Anh cho biết: Cứ tối đến, mọi người vứt rác ra đường nhiều hơn, ở những gốc cây, trước những cột sóng… Xuất hiện những túi nylon đen đựng rác của các cửa hàng gần đấy, mặc dù điểm tập kết rác cách đấy chỉ có 100 m.

Tại khu vực ngõ 94 phố Tân Mai (quận Hoàng Mai), có những đống rác ngổn ngang giữa trưa hè nắng gắt. Không ít người thản nhiên vứt rác ở những gốc cây, lối ra vào ngõ. Chị Bùi Thị Lê (45 tuổi), một người dân ở đây cho biết: Mặc dù có những tấm biển “CẤM ĐỔ RÁC Ở KHU VỰC NÀY” nhưng dường như không ai để ý. Đặc biệt là sau 10 giờ tối, lượng rác thải ở khu vực này nhiều hơn so các khung giờ khác. Mùi hôi thối bốc lên khiến người qua đường, nhất là người đi bộ nôn nao.

Tình trạng vứt rác bừa bãi, tiện đâu vứt đấy của người dân đang ngày càng phổ biến. Theo Thạc sĩ Phạm Hoàng Giang (Khoa Môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội), người dân là một thành tố rất quan trọng trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Nhưng khi ý thức còn kém, cùng với những điều kiện về cơ sở vật chất chưa phù hợp… dẫn đến tình trạng rác thải vẫn chưa được quản lý triệt để.

Một số thí dụ như dự án “Ruy băng xanh”, “Dọn dẹp cộng đồng - Nâng cao nhận thức tại địa phương”, “Đội quân rùa xanh! Vì trẻ em là tương lai”… đã tác động hiệu quả vào ý thức người dân, đặc biệt là người trẻ. Anh Đặng Triệu Huy cũng chia sẻ thêm, các dự án này mang lại nhận thức về rác thải cho người dân. Nhưng vẫn chưa thể thay đổi một cách rõ rệt về tư duy và tầm nhìn, định hướng tới cách xử lý rác thải.

Còn thiếu giải pháp hiệu quả

Hiện nay, nhiều địa phương đang đối mặt bài toán nan giải về tình trạng rác thải bừa bãi. Thực tế cho thấy, lượng rác thải ra ngoài môi trường lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức người dân chưa cao nên lượng rác thải vẫn còn tồn đọng lại rất nhiều. Anh Đặng Triệu Huy - Điều phối viên Tổ chức Việt Nam Sạch và Xanh đã tổ chức một số chương trình thu hút giới trẻ và người dân tham gia, nhưng thực tế là nhiều người chung quanh vẫn tiện tay vứt rác như thói quen hằng ngày khó bỏ.

Rác tự phát ngày càng gây ảnh hưởng tới môi trường trên nhiều địa bàn phường, quận khác nhau khiến các công nhân phải thu gom ở những nơi không phải là điểm tập kết. Liệu các giải pháp và quy định xử phạt có giải quyết được tình trạng rác thải, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị? Theo quan sát của chúng tôi, nhiều nơi được xem là điểm đen của những bãi rác thường ngày. Không chỉ rác thải sinh hoạt mà còn có những tán cây, cỏ, đất trồng cây… cũng bị vứt không đúng nơi quy định. Tại một số quận như Thanh Xuân, Hà Đông…, có những tuyến phố rác thải tập kết thành những đống lớn. Theo anh Huy, còn thiếu giải pháp tối ưu cho việc xử lý tình trạng rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Muốn người dân quan tâm tới môi trường sống chung quanh cũng như tham gia vào các dự án cộng đồng về rác thải, các dự án phải có cái nhìn đa chiều, biết nhìn nhận, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng để thu hút được nhiều người quan tâm.

Đi cùng với việc tập kết rác đúng nơi quy định thì việc duy trì môi trường xanh - sạch - đẹp là rất cần thiết. Chia sẻ với chúng tôi, một số công nhân dọn rác mong muốn chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp, xử phạt những người không vứt rác đúng nơi quy định. Cần có những lớp học hướng dẫn người dân phân loại rác đúng cách. Cần những quy định về môi trường để từng cá nhân, hộ gia đình tích cực thực hiện.