Bờ sông ở Cà Mau sạt lở bất thường

Mới vào cao điểm mùa mưa, bão nhưng tình hình sạt lở bờ sông ở Cà Mau diễn biến phức tạp, khó lường. Sạt lở liên tiếp xảy ra, nhiều đến mức lãnh đạo địa phương luân phiên đi kiểm tra hiện trường vẫn không xuể…
0:00 / 0:00
0:00
Sạt lở làm hư hỏng hơn 100 m lộ về trung tâm xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi làm ách tắc giao thông rạng sáng 7/7.
Sạt lở làm hư hỏng hơn 100 m lộ về trung tâm xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi làm ách tắc giao thông rạng sáng 7/7.

Rạng sáng 7/7, trở lại nhà sau khi ra thăm đồng tôm, ông Phạm Văn Quân (ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, Cà Mau) định chợp mắt nhưng phát hiện âm thanh lạ. Ra ngoài xem thử mới tá hỏa khi con lộ ngang nhà ông phút chốc thành vũng nước dưới tuyến sông Cây Tàng.

Thấp thỏm vì sạt lở

Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng, lúc người dân đang ngon giấc. Tuy không ảnh hưởng nhiều về tài sản nhưng khoảng 110 m lộ ô-tô về trung tâm xã Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi) đã bị phá hủy hoàn toàn khiến giao thông ách tắc. Ðó cũng là tuyến đường ô-tô độc đạo về xã ven biển Nguyễn Huân, để từ đó lưu thông qua xã Tam Giang, Tam Giang Ðông (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau).

Ông Quân cho biết, căn nhà ông cất tạm để hành nghề sửa xe cách vị trí sạt lở chừng 2 m xuất hiện nhiều vết nứt cho nên toàn bộ tài sản đã di dời lên căn nhà chính. "Mấy bữa nay có ngủ được đâu, cứ phập phồng sạt lở tái diễn làm hư nhà. Mà cũng lạ lắm, khu vực sạt lở trước đó có gia cố bằng kè bê-tông nhưng không hiểu sao con lộ sụp xuống, chìm nghỉm dưới nước", ông Quân thắc mắc.

Ngay trong sáng 7/7, lãnh đạo huyện Ðầm Dơi và đơn vị chức năng địa phương có mặt tại hiện trường chỉ đạo khoanh vùng sạt lở, huy động phà tạm để giải quyết lượng xe bị "mắc kẹt", đồng thời cho tạm ngừng lưu thông xe ô-tô tuyến đường về trung tâm xã Nguyễn Huân kể từ ngày 7/7 cho đến khi có thông báo mới. Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ðầm Dơi Lê Tấn Phát cho biết: Trong lúc đơn vị chức năng đang nỗ lực bằng mọi giá để khắc phục nhanh sự cố vụ sạt lở tuyến đường về trung tâm xã Nguyễn Huân thì ngay hôm sau, thêm bốn vụ sạt lở khác xảy ra dọc tuyến sông Trưởng Ðạo, kênh Khai Hoang ở các xã Thanh Tùng, Ngọc Chánh, Quách Phẩm. Cả bốn vụ đều xảy ra vào rạng sáng 8/7, làm hư hỏng hoàn toàn 62 m lộ bê-tông nông thôn, 60 m lộ đất đen hoàn chỉnh chuẩn bị làm lộ bê-tông, một cống xổ tôm của người dân, với tổng thiệt hại hơn 125 triệu đồng.

Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 200 vụ sạt lở đất ven sông, cao gần gấp hai lần số vụ so với bình quân của những năm liền kề trước đó, làm hư hỏng nặng 78 nhà dân cùng nhiều công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư, tổng thiệt hại hơn 14 tỷ đồng. Nặng nhất là địa bàn huyện Ðầm Dơi với 145 vụ (tính đến 8/7), làm hư hỏng và thiệt hại 36 nhà dân, 12 cống xổ tôm, 265 m kè bê-tông, hơn 2,3 km lộ bê-tông, 180 m lộ nhựa, ba cây cầu nông thôn…, tổng thiệt hại ban đầu ước tính gần 11 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Lê Minh Hiền đánh giá, so với những năm trước, cường độ và số vụ sạt lở ven sông năm nay là quá nhiều. Nếu chia bình quân cho 16 đơn vị hành chính cấp xã thì trong những tháng đầu năm 2023, mỗi xã hứng chịu ít nhất chín vụ sạt lở đất. Sạt lở đất khiến người dân cảm thấy lo lắng, bất an và lãnh đạo địa phương cũng rất trăn trở. Dù đã rất nỗ lực và quyết tâm nhưng việc khắc phục tình trạng sạt lở hiện nay vô cùng nan giải, nhất là kinh phí bởi ngân sách huyện không bảo đảm cho việc này.

Cần ưu tiên hơn cho phòng, chống sạt lở

Giáp ranh với Ðầm Dơi, tình trạng sạt lở đất ven sông cũng đang "làm mưa làm gió" trên địa bàn huyện Năm Căn. Trong sáu tháng đầu năm 2023, huyện này xảy ra hơn 40 vụ sạt lở. Chia theo đơn vị hành chính thì bình quân, mỗi xã của huyện Năm Căn đã hứng chịu ít nhất ba vụ, xã nhiều nhất đến chín lần. "Có hôm sạt lở nhiều quá lãnh đạo huyện phải tạm hoãn một số cuộc họp để đi kiểm tra hiện trường, chỉ đạo khắc phục sự cố, thăm hỏi, hỗ trợ người dân… nhưng vẫn không xuể", Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Trần Ðoàn Hùng chia sẻ.

Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc thuộc diện bậc nhất cả nước, với tổng chiều dài khoảng 10.000 km. Có ba mặt giáp biển và rất nhiều sông, rạch thông ra biển với dòng nước chảy mạnh, chênh lệnh biên độ triều cao cho nên tình hình sạt lở luôn trong tình trạng phức tạp, khó lường… Số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2021, toàn tỉnh có khoảng 425 km chiều dài sông, rạch trong tình trạng sạt lở. Ðã có hàng trăm vụ sạt lở đất xảy ra làm hư hỏng gần 28 km lộ giao thông, thiệt hại hơn 300 nhà dân cùng nhiều công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư với tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, thời gian trước, sạt lở phần nhiều phương hại đến nhà cửa, tài sản của người dân thì hiện nay thiệt hại "nghiêng" về phía công trình do Nhà nước đầu tư. Như tại huyện Ðầm Dơi, trong hơn 140 vụ sạt lở đã xảy ra thì có đến hơn 50% số vụ gây hư hỏng đường sá, cầu, lộ giao thông nông thôn. "Nếu sạt lở trước đây thường tập trung tại những vị trí giao nhau của sông, rạch… thì hiện nay xuất hiện ngay cả những nơi không giao nhau nhưng nằm cặp sông, rạch-nơi có dòng nước chảy mạnh, chênh lệch biên độ thủy triều lớn", ông Hoai phân tích.

Ðặc điểm chung tại Cà Mau là lộ giao thông nằm dọc theo chiều dài của kênh, rạch… Vào những lúc triều cường dâng cao, nhiều nơi trong tỉnh, lộ nông thôn chìm ngập trong nước và khi triều rút xuống, chênh lệch mực nước so với lộ đến gần 3 m. Trong khi đó, vùng đất Cà Mau nền đất yếu, nơi gia tải nhiều cặp theo sông, rạch rất dễ bị sạt lở bởi tác động mạnh của dòng chảy. Ứng phó với tình trạng sạt lở ven sông, thời gian qua, Cà Mau áp dụng nhiều phương án khác nhau, trong đó có việc thuyết phục, vận động, di dời người dân vào các khu vực dân cư an toàn đồng thời với đầu tư công trình phòng chống sạt lở. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của địa phương là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nguồn thu ngân sách nhỏ, kinh phí dành cho phòng chống sạt lở có giới hạn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, toàn tỉnh hiện có 356 vị trí sạt lở ven sông, tổng chiều dài hơn 424 km. Trong đó, nhiều nhất là huyện Năm Căn có hơn 146 km với 66 vị trí; huyện Ðầm Dơi hơn 91,6 km với 120 vị trí. Ðể triển khai các công trình ứng phó sạt lở ven sông, ven biển, gần đây UBND tỉnh tiếp tục cập nhật và trình xin Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 957/QÐ-TTg (ngày 6/7/2020) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, với tổng nhu cầu vốn hơn 13.000 tỷ đồng (bao gồm luôn nguồn vốn ODA). Trong đó, tổng kinh phí hỗ trợ để triển khai các phần việc liên quan đến phòng chống sạt lở bờ sông là hơn 9.000 tỷ đồng. Khi có nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ưu tiên triển khai các công trình cấp thiết cho hơn 47 km chiều dài sạt lở ven sông tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm nhằm bảo vệ dân cư và hạ tầng bên trong do Nhà nước đầu tư, đồng thời xúc tiến thêm tám khu tái định cư để di dời gần 1.400 hộ dân đang sinh sống trong các khu vực sạt lở vào nơi an toàn.