Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng

Những năm qua, việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng. 

Ra quân truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại Hà Nội (Ảnh: VSS).
Ra quân truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình tại Hà Nội (Ảnh: VSS).

Để bảo hiểm xã hội thành điểm tựa của người dân

Ngày 8/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”.

Với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình”, lễ ra quân năm nay tập trung truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia. Đồng thời, nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Cùng với đó là việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu cũng sẽ tăng tương ứng; những thiệt thòi khi lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần;….

Phát biểu tại lễ ra quân, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, những năm qua, việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã có nhiều kết quả tích cực, nổi bật.

Cụ thể như, độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng. Tính đến hết ngày 30/4/2022, ước tính, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 15,3 triệu người, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Còn số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số.

“Tốc độ tăng trưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện được giữ vững trong điều kiện khó khăn chung do tác động của đại dịch Covid-19 như hiện nay. Điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm vượt khó của toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội các cấp”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.

Còn theo Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào, thời gian qua, cơ quan này luôn đồng hành, sát cánh cùng ngành bảo hiểm xã hội trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Đơn vị đã rất linh hoạt, chủ động trong việc phối hợp chặt chẽ bảo hiểm xã hội các cấp triển khai các hình thức truyền thông, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Đó là: tổ chức các lễ ra quân, hội nghị khách hàng, hội nghị truyền thông trực tuyến, tư vấn trực tiếp tới từng cá nhân, hộ gia đình...

Đến thời điểm hiện tại, Bưu điện Việt Nam đã phát triển được gần 1 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế tự đóng trên toàn quốc. Bưu điện Việt Nam đã xây dựng các giải pháp truyền thông trên môi trường số, kết hợp với tư vấn trực tiếp, quyết tâm cùng với ngành bảo hiểm xã hội đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2022.

Hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia

Nhằm hoàn thiện mục tiêu phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lộ trình, giải pháp cụ thể. Đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, UBND các cấp về kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. “Đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm tính bền vững của chính sách”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tiếp tục tổ chức các đợt truyền thông cao điểm gắn với phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Trong đó, tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho nhân dân, những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Từ đây, tạo hiệu ứng lan tỏa, lâu dài nhằm phát triển nhanh và duy trì bền vững người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Lễ ra quân này là hoạt động hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ ba theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Chính phủ.
Lễ ra quân được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tiếp sóng tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Đồng thời, hình thức truyền thông lưu động cũng được tổ chức với gần 700 đội truyền thông lưu động bằng ô-tô, xe máy tại các địa bàn.
Mục tiêu cụ thể của chương trình là phát triển 10 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong và sau sự kiện. Các hoạt động tư vấn trực tiếp, tuyên truyền sâu rộng đến hơn 100 nghìn người có kiến thức về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện - bảo hiểm y tế hộ gia đình.