Ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều lễ hội lớn trên địa bàn thành phố như: Lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội Gióng đền Sóc, lễ hội chùa Hương, lễ hội Cổ Loa... sẽ đồng loạt khai mạc. Đây là những lễ hội thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến mỗi ngày cho nên luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp trong công tác quản lý, tổ chức. Lễ hội Gióng đền Sóc khai mạc vào mồng 6 tháng Giêng là lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương. Người dân đến đây để lễ thánh và chiêm ngưỡng nghi lễ rước lễ vật như: Giò hoa tre, thần mã (ngựa chiến), voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi... và nhất là màn tất lộc giò hoa tre.
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, Ban Tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương sẽ tổ chức các điểm trông giữ phương tiện cho du khách; bố trí sắp xếp hàng quán ngăn nắp; nghiêm cấm việc nâng giá, bán hàng rong, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong phạm vi khu vực I của di tích, không bố trí hàng quán. Ban Tổ chức sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát không để các cơ sở dịch vụ sử dụng loa công suất lớn; tổ chức trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình. Ban Tổ chức sẽ đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, công tác phòng chống cháy nổ, cháy rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Là một trong những lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội, Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2025) năm nay được tổ chức quy mô hơn, kéo dài từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng tại Công viên Văn hóa Đống Đa. Năm nay, lễ hội có điểm đổi mới quan trọng khi chương trình nghệ thuật đặc sắc "Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước" sẽ diễn ra vào sáng mồng 5 tháng Giêng, song song với nghi lễ dâng hương, rước kiệu truyền thống như mọi năm. Trong đó, người dân và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động như: Biểu diễn múa lân, rồng, thư pháp, các trò chơi dân gian, chương trình nghệ thuật… Đáng chú ý là màn trình diễn ánh sáng 3D Mapping với kỹ xảo ánh sáng, âm nhạc và các vũ công nhảy, múa, trình diễn xiếc nghệ thuật, sắp xếp tạo hình uyển chuyển, uốn lượn, nối tiếp nhau được lập trình theo kịch bản giống như một ma trận huyền bí, thu hút người xem. Để bảo đảm an toàn cho lễ hội, UBND quận Đống Đa cũng đã lên phương án phân luồng giao thông, bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, trông giữ phương tiện giao thông…
Trong các lễ hội trên địa bàn thành phố, lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) có thời gian kéo dài nhất, khai hội từ mồng 6 tháng Giêng và kết thúc vào cuối tháng 3 âm lịch. Lễ hội năm nay có chủ đề “Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2025 Đặng Văn Cảnh cho biết, huyện chú trọng công tác quảng bá hình ảnh chùa Hương thân thiện, mến khách. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tham gia phục vụ du khách với thái độ văn minh, lịch thiệp. Công tác an ninh trật tự, vận chuyển du khách trên Suối Yến được bảo đảm an toàn, các tuyến đường thông thoáng, an toàn, xanh-sạch-đẹp. Điểm nổi bật của lễ hội là việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng, đò, giúp du khách thuận tiện trảy hội.
Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 lễ hội, trong đó phần lớn diễn ra vào đầu xuân năm mới, số còn lại diễn ra trong năm. Trước tình hình đó, ngay từ ngày 8/1, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2025. Theo đó, thành phố yêu cầu các địa phương tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết. Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể về phần lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, bảo đảm tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại; bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh.
Thành phố Hà Nội yêu cầu, 100% các di tích và các lễ hội được tổ chức trong năm 2025 bảo đảm tiêu chí “Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp-Văn minh-An toàn-Tiết kiệm”, có số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân và du khách. Thành phố sẽ kịp thời thông tin công khai các địa phương tổ chức tốt và chưa tốt, để xảy ra các vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên ứng dụng iHanoi. Dự kiến, thành phố sẽ thành lập các đoàn để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra. Với sự vào cuộc từ sớm của thành phố cũng như các địa phương, mùa lễ hội xuân Ất Tỵ được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực.