Tuy nhiên, thời gian qua, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại khu vực này còn nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến diện mạo đô thị, cũng như việc khai thác các lợi thế vốn có, nguồn lực từ đất đai, cảnh quan của khu vực này.
Khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng và sông Đuống đoạn chảy qua thành phố có tổng diện tích khoảng 23.551 ha, thuộc 17 quận, huyện và thị xã Sơn Tây, liên quan khoảng 363.987 nhân khẩu. Trong đó, tuyến sông Hồng có khoảng hơn 339.000 người, gồm 86.056 hộ dân; tuyến sông Đuống có 24.585 nhân khẩu, với 6.022 hộ dân.
Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng bãi sông, ngoài đê, nhất là khu vực sông Hồng, sông Đuống là vấn đề quan trọng, cấp thiết được cử tri, nhân dân Hà Nội quan tâm, kiến nghị tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu, phương hướng quản lý, sử dụng đối với khu vực này.
Ông Duy Hoàng Dương, Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố, cho biết, hiện nay tại khu vực ngoài đê, bãi sông Hồng và sông Đuống đã có nhiều phương án chuyển đổi mô hình kinh tế được các quận, huyện, thị xã phê duyệt và cho các cá nhân, tổ chức đấu thầu thuê đất công, đất nông nghiệp công ích để phát triển kinh tế.
Nhưng trên thực tế, nhiều khu đất hiện đã chuyển sang sử dụng các mục đích khác như kinh doanh nhà hàng, làm khu sinh thái hoặc xây dựng nhà xưởng, công trình tạm làm kho bãi… như khu ẩm thực ven sông Me Farm, huyện Thanh Trì; một số nhà hàng, khu sinh thái tại ngõ 143 Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai; khu vực Thạch Cầu, quận Long Biên…
Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đặt vấn đề, để xảy ra tình trạng này thuộc trách nhiệm của các sở, ngành nào? Biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý để tránh phát sinh thêm sai phạm và bảo đảm không lãng phí tài sản nhà nước là gì? Cần làm rõ, hiện việc thu tiền cho thuê với các trường hợp này áp dụng cơ chế, chính sách nào?
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết, khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Đuống được các quận, huyện tổ chức phê duyệt phương án đấu thầu thuê đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo quy định phân cấp thì địa phương quản lý, kiểm soát, tổ chức đấu thầu theo năm đối với đất nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm.
Sơ bộ đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã xử lý, chấm dứt hoạt động của hơn 100 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp còn tồn tại, hoạt động không bảo đảm các điều kiện về môi trường, giao thông… Cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể để khắc phục dứt điểm tình trạng vi phạm trong đấu thầu, thuê thầu đối với quyền sử dụng đất, sử dụng trái mục đích tại khu vực ngoài đê, bãi sông khu vực sông Hồng, sông Đuống.
Tại phiên giải trình về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, căn cứ kết quả giải trình của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, cùng các phương hướng, lộ trình, giải pháp của các cơ quan, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Ủy ban nhân dân thành phố cần chỉ đạo rà soát lại công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi đê, ngoài đê; thống nhất, chuẩn xác lại số liệu báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề án để tăng cường công tác quản lý hiệu quả khu vực ngoài đê, bãi sông, trong đó trước mắt là khu vực bãi sông Hồng và sông Đuống.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành tập trung, khẩn trương tham mưu trình Hội đồng nhân dân thành phố các nội dung triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, thực hiện dự án, trật tự xây dựng vùng bãi sông, bãi nổi ngoài đê theo kế hoạch của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố; xây dựng lộ trình thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách để triển khai Luật Thủ đô.
Tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, phân khu sông Đuống phù hợp Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.