Huyện Quốc Oai có 17 làng nghề với gần 3.490 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề như may mặc, mộc, cơ khí, chế biến thực phẩm… Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Trường Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường khu dân cư cũng như thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn, sáng 26/12, Ủy ban nhân dân huyện đồng loạt tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật ba cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề:
Ngọc Mỹ-Thạch Thán, Nghĩa Hương và Ngọc Liệp (phần mở rộng). Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng DSG (chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Ngọc Mỹ-Thạch Thán) Nguyễn Minh Đông cam kết, doanh nghiệp sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành thành phố, chính quyền địa phương và các nhà thầu thi công để dự án sớm đưa vào khai thác, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào thuê mặt bằng…
Năm 2024, thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 13 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp đã được động thổ, khởi công lên 33 trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020.
Trong đó, bảy cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để thu hút đầu tư; bốn cụm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đạt từ 90%; sáu cụm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đạt từ 50%. Các cụm công nghiệp còn lại đang san lấp mặt bằng, làm tường rào, hệ thống thoát nước…
Theo Sở Công thương, công tác xây dựng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã góp phần phát triển ngành công nghiệp Thủ đô. Ước cả năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,2% so với năm 2023 (thấp hơn mục tiêu kế hoạch tăng 7,0-7,5%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,86% so với năm 2023. Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; chế biến thực phẩm; sản xuất điện tử, máy vi tính…
Tuy nhiên, hiện hạ tầng các cụm công nghiệp còn hoạt động chưa đồng bộ, một số cụm công nghiệp xuống cấp. Đối với các cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng, tiến độ cũng còn chậm. Đơn cử, Cụm công nghiệp Hữu Bằng, Bình Phú 1-giai đoạn 2, huyện Thạch Thất; Cụm công nghiệp Sơn Đông, thị xã Sơn Tây và Cụm công nghiệp Tân Hòa, huyện Quốc Oai vẫn chưa lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Các cụm công nghiệp Phú Thị-giai đoạn 2 (huyện Gia Lâm), Xuân Thu, huyện Sóc Sơn; Dương Liễu-giai đoạn 2, huyện Hoài Đức… tiến độ giải phóng mặt bằng mới đạt 10-20% do người dân chưa đồng thuận, chưa được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa…
Đối với các cụm công nghiệp mới hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì thủ tục tiếp nhận nhà đầu tư thứ phát chưa thống nhất… Ngoài ra, thành phố vẫn còn hai cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa có trạm xử lý nước thải tập trung.
Trong đó, Cụm công nghiệp Thanh Thùy-giai đoạn 2, huyện Thanh Oai mới khởi công xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung vào ngày 26/11/2024; dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2025. Cụm công nghiệp Chàng Sơn-giai đoạn 2, huyện Thạch Thất vẫn đang được đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thủ tục để xây dựng trạm xử lý nước thải.
Năm 2025, Hà Nội phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp từ 6,95% trở lên, tất cả cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, để góp phần đạt mục tiêu này, sở cùng các ban, ngành, chính quyền các địa phương sẽ tích cực phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thành lập và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp theo quy định.
Xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình đầu tư 15-20 cụm công nghiệp trên địa bàn, đồng thời, triển khai thực hiện đề án chuyển đổi số cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn phục vụ quản lý nhà nước về cụm công nghiệp; đề án chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp đang hoạt động.
“Sở Công thương cùng các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội cơ bản trở thành thành phố công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - Phó Giám đốc Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh.