Số hóa di tích giúp quảng bá di sản, thúc đẩy du lịch

Hà Nội đang trong lộ trình chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, trong đó, số hóa di tích là một trong những ưu tiên nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Số hóa còn đặc biệt có ý nghĩa trong quảng bá di sản, thúc đẩy du lịch. Nhiệm vụ này đang được các địa phương khẩn trương triển khai. Đến nay, có những quận, huyện, thị xã hoàn thành 100% công tác số hóa di tích trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm số hóa di tích tại di tích chùa Thầy (huyện Quốc Oai).
Trải nghiệm số hóa di tích tại di tích chùa Thầy (huyện Quốc Oai).

Nhằm thực hiện lộ trình chuyển đổi số của thành phố, những năm qua, ngành văn hóa cũng như các quận, huyện, thị xã đã đẩy mạnh quá trình số hóa di tích. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, thành phố sẽ số hóa 100% các di tích trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực lớn, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, nhờ tích cực triển khai, một số địa phương đã “về đích” sớm.

Quận Hai Bà Trưng là một thí dụ điển hình. Trên địa bàn quận có 51 di tích, thực hiện Chuyên đề số 11-CĐ/QU ngày 13/7/2021 của Quận ủy về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận gắn với phát triển du lịch, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng Trang thông tin “360o di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”.

Quận đã rà soát, xây dựng hệ thống dữ liệu một cách đồng bộ và đưa thông tin lên website: https://haibatrung.hanoi.vietnaminfo.net giới thiệu toàn bộ 51 di tích. Các di tích được chia theo các cấp độ khác nhau và được hệ thống một cách khoa học, cho phép người dùng trải nghiệm “không gian tham quan ảo 360o” cùng với những hình ảnh sinh động của các hiện vật lịch sử.

Trang thông tin này được tích hợp âm thanh, video, hình ảnh, bài viết thuyết minh, bản đồ số, thuyết minh tự động, tra cứu thông tin bằng mã QR…, nhờ đó du khách dễ dàng tìm kiếm và di chuyển đến các điểm du lịch theo nhu cầu.

Trang thông tin này còn phân quyền cho người dùng là cán bộ, công chức các đơn vị chức năng thuộc quận có thể quản lý, quản trị toàn bộ các hồ sơ, tài liệu, bao gồm cả thông tin tư liệu về hiện vật của các di tích lịch sử trên địa bàn quận một cách khoa học và thuận tiện với hệ thống dữ liệu được số hóa. Những dữ liệu này là cơ sở quan trọng để nghiên cứu, bảo tồn lâu dài các giá trị văn hóa tiêu biểu của quận.

Các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên, Quốc Oai, Gia Lâm… là những địa phương tích cực triển khai số hóa di tích gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, quận Đống Đa đã xây dựng trang thông tin và ứng dụng www.dongda360.vn từ năm 2020. Quận có tất cả 76 di tích thì trang thông tin này đã cập nhật được 62 di tích. Trang thông tin cung cấp các địa chỉ du lịch trên địa bàn bằng ứng dụng công nghệ ảnh 3600 tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá, tìm hiểu.

Ngoài ra, quận xây dựng trang web riêng về Di tích gò Đống Đa - Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn và Bản đồ số địa chỉ đỏ tại điểm di tích “Nhà lưu niệm Bác Hồ” (phường Kim Liên). Điều này giúp người dân vừa có thể tìm hiểu một cách khái quát, vừa có thể tìm hiểu chi tiết, cụ thể về các di tích trên địa bàn.

Quận Tây Hồ đã số hóa những di tích quan trọng và những danh thắng, làng nghề nổi tiếng trên địa bàn và giới thiệu đến công chúng từ năm 2023. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết: “Trang thông tin điện tử Tây Hồ 3600 ra đời góp phần xúc tiến văn hóa và du lịch địa phương thông qua các phương tiện công nghệ thông tin trực tuyến, giúp tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số trong ngành văn hóa, du lịch; phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân và khách du lịch.

Việc triển khai Trang Tây Hồ 3600 nhằm bắt kịp xu thế du lịch thông minh đang trở nên rất phổ biến hiện nay trên toàn thế giới”. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng triển khai tạo mã QR để quảng bá di tích.

Theo lộ trình, Hà Nội sẽ số hóa 100% các di tích, điều này là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi địa phương lại triển khai việc số hóa theo một cách khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện địa phương cũng như tư vấn của doanh nghiệp công nghệ thông tin. Có địa phương chú trọng giới thiệu di tích, có địa phương chú trọng du lịch… dẫn đến sự thiếu đồng bộ.

Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc số hóa di tích, thành phố cần có đầu mối làm “nhạc trưởng” hướng dẫn cụ thể, tạo sự đồng bộ, thống nhất, tránh lãng phí.